Ly thế gian nghĩa là lìa thế gian, nhưng ở đây không phải ý nghĩa tiêu cực rời xa thế gian, mà nói về hàng Bồ-tát đầy đủ công hạnh giác ngộ ngay nơi thế gian này, làm tất cả Phật sự, cứu tất cả chúng sanh mà không bị nhiễm ô. Đó là ly thế gian theo đúng tinh thần Đại thừa.
Tại sao phẩm này dùng chữ “Ly thế gian”? Khi công hạnh tu hành giác ngộ được viên mãn thì không còn phiền não, vì thế tuy sống trong phàm tục hóa độ chúng sanh mà không nhiễm ô, không dính mắc thế gian. Trong phẩm này, Bồ-tát Phổ Hiền nói về các đại Bồ-tát muốn viên mãn hạnh nguyện phải tu những công đức gì. Bồ-tát Phổ Hiền tượng trưng cho Sai biệt trí, nghĩa là sau khi ngộ được Căn bản trí rồi thì khởi diệu dụng dùng Sai biệt trí, tùy tâm chúng sanh mà hóa độ.
Thế nào là Sai biệt trí? Như thấy người nặng về bệnh tham liền có trí ứng dụng nói pháp trị bệnh tham, thấy người bệnh sân liền có trí ứng dụng nói pháp trị bệnh sân… Tùy bệnh chúng sanh mà ứng dụng ra muôn ngàn phương pháp sai biệt. Chúng sanh có vô lượng vô biên phiền não thì Bồ-tát cũng vận dụng Sai biệt trí dấy khởi vô lượng vô biên phương tiện giáo hóa.
Trong phẩm này, Bồ-tát Phổ Huệ đặt hai trăm câu hỏi về công hạnh của Bồ-tát, làm sao được viên mãn thể nhập hạnh nguyện Phổ Hiền. Ngài Phổ Hiền đáp lại hai ngàn câu, mỗi câu hỏi có mười câu trả lời. Nếu đọc trong chánh văn và giảng rộng ra phải mất hai ba ngày, đây chúng ta học ngay phần kệ tụng tóm lược.
Bấy giờ Phổ Hiền đại Bồ-tát thừa thần lực của Phật, quán sát tất cả đại chúng mười phương, khắp đến pháp giới, rồi nói kệ rằng:
Trong vô lượng kiếp tu khổ hạnh
Từ vô lượng Phật chánh pháp sanh.
Khiến vô lượng chúng trụ Bồ đề
Hạnh vô đẳng kia nghe tôi nói.
Ngài Phổ Hiền hiểu ý Bồ-tát Phổ Huệ đã thay đại chúng hỏi về các công đức hạnh nguyện của đại Bồ-tát được viên mãn, phải tu hành thế nào? Ngài trả lời: Trong vô lượng kiếp tu khổ hạnh, từ vô lượng Phật chánh pháp sanh, nghĩa là các ngài từ vô lượng kiếp tu khổ hạnh, vì chúng sanh chịu khổ, vì chúng sanh hy sinh thân mình. Khổ hạnh ấy trải qua nhiều kiếp lâu xa, công hạnh tu tập phát sanh từ chánh pháp của Phật.
Khiến vô lượng chúng trụ Bồ-đề, hạnh vô đẳng kia nghe tôi nói, các Bồ-tát luôn luôn dùng tâm từ để giáo hóa chúng sanh khiến họ trụ Bồ-đề, tức là trụ chỗ giác ngộ. Hạnh của Bồ-tát không thể lấy gì sánh bằng, gọi là hạnh vô đẳng.
Cúng vô lượng Phật mà xả chấp
Rộng độ quần sanh chẳng nghĩ tưởng
Cầu Phật công đức tâm vô y
Hạnh thắng diệu kia nay tôi nói.
Chư Bồ-tát cúng dường vô lượng đức Phật mà không chấp, không kể ra đã từng cúng dường bao nhiêu đức Phật, đã làm được bao nhiêu phước đức. Rộng độ quần sanh chẳng nghĩ tưởng, Bồ-tát độ chúng sanh không biết bao nhiêu chừng hạn nên không thể nghĩ tưởng. Cầu Phật công đức tâm vô y. Bồ-tát cầu công đức Phật nhưng không nương tựa vào công đức ấy.
Lìa ma ba cõi thoát nghiệp não
Đủ thánh công đức hạnh tối thắng
Diệt những mê lầm lòng tịch tịnh
Nay tôi nói đạo của kia làm.
Bồ-tát Phổ Hiền tán thán công hạnh của các Bồ-tát. Các ngài đã lìa chúng ma, thoát khỏi nghiệp phiền não trong ba cõi, đầy đủ công đức thánh và những hạnh tối thắng, đã diệt trừ được những mê lầm, tâm luôn luôn tịch tịnh.
Lìa hẳn thế gian những huyễn dối
Những thứ biến hóa dạy chúng sanh
Tâm sanh trụ diệt hiện các sự
Nói sở năng kia cho chúng mừng.
Bồ-tát không còn mắc kẹt những sự hư dối ở thế gian, dùng các biến hóa không thật chỉ dạy cho chúng sanh. Hiển hiện các việc sanh trụ diệt, mà nói các công năng thành tựu để chúng được hoan hỷ.
Thấy các chúng sanh: sanh, già, chết
Phiền não lo khổ luôn bức ngặt
Muốn họ giải thoát dạy phát tâm
Hạnh công đức kia phải thính thọ.
Chư Bồ-tát thấy chúng sanh bị cảnh sanh, già, bệnh, chết, bao nhiêu phiền não lo buồn, khổ sở bức ngặt. Các ngài muốn cho họ giải thoát nên dạy phát tâm nghe nhận những hạnh công đức đó.
Thí, giới, nhẫn, tấn, thiền, trí tuệ.
Phương tiện, từ bi hỷ xả thảy
Trăm ngàn muôn kiếp thường tu hành
Các ngài nên nghe công đức đó.
Các vị Bồ-tát luôn luôn dùng công hạnh tu hành lục độ: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ; tứ vô lượng tâm từ bi hỷ xả. Các công đức của Bồ-tát tu tập trong trăm ngàn muôn ức kiếp, dùng những phương tiện này để giáo hóa chúng sanh.
Ngàn muôn ức kiếp cầu Bồ-đề
Bao nhiêu thân mạng đều không tiếc
Nguyện lợi quần sanh chẳng vì mình
Hạnh từ mẫn kia nay tôi nói.
Các Bồ-tát đã được viên mãn công đức, trong ngàn muôn ức kiếp cầu giác ngộ, bỏ bao nhiêu thân mạng không chút luyến tiếc. Các ngài luôn nguyện lợi ích chúng sanh chẳng vì mình. Hạnh từ bi của các ngài bây giờ tôi sẽ nói.
Vô lượng ức kiếp nói công đức
Như biển một giọt còn chưa ít
Công đức vô tỷ chẳng thể dụ
Do Phật oai thần nay lược nói.
Công đức của Bồ-tát dù nói đến vô lượng ức kiếp cũng không hết, chẳng khác nào như một giọt nước trong biển không thấm vào đâu. Công đức đó không có gì so sánh được, không thể lấy gì thí dụ được. Sở dĩ hôm nay tôi nói được là do oai thần của Phật.
Tâm kia chẳng cao hạ
Cầu đạo không nhàm mỏi
Khiến khắp các chúng sanh
Ở lành thêm pháp sạch.
Tâm các vị Bồ-tát không bao giờ có cao hạ. Cao là cống cao ngã mạn, hạ là hạ liệt. Các ngài luôn giữ tâm bình đẳng, cầu đạo không nhàm mỏi, chỉ dạy chúng sanh ăn ở hiền lành, tăng thêm pháp thanh tịnh.
Trí tuệ lợi ích khắp
Như cây, như sông suối
Cũng như nơi đại địa
Chỗ sở y tất cả.
Trí tuệ của Bồ-tát làm lợi ích khắp tất cả chúng sanh như cây, sông, suối. Cũng như đại địa làm lợi ích và nâng đỡ muôn loài, tất cả công đức đều lấy trí tuệ làm chỗ nương. Trí tuệ là gốc của tất cả công đức lành, nếu không có trí tuệ thì tất cả công đức lành không có chỗ nương tựa, cũng như không có đại địa thì tất cả cây cối, sông suối không có chỗ nương.
Bồ-tát như liên hoa
Gốc lành, cọng an ổn
Trí tuệ là hương nhụy
Giới phẩm là sạch thơm
Phật phóng pháp quang minh
Cho hoa được xòe nở
Chẳng dính nước hữu vi
Ai thấy cũng hoan hỷ.
Các hàng Bồ-tát chẳng khác nào như hoa sen, trí tuệ của các ngài là hương nhụy, giới đức sạch thơm. Phật dùng hào quang soi sáng cho các Bồ-tát thành tựu công hạnh như hoa sen khi gặp ánh nắng mặt trời thì từ từ nở tròn. Bồ-tát có đầy đủ chủng tử công đức lành ở trong khi gặp hào quang của Phật, tức là thấm nhuần chánh pháp, chủng tử công đức lành mới hiển lộ. Nếu không gặp chánh pháp thì chủng tử đó cũng còn nằm im lìm. Vì thế dùng thí dụ hoa sen gặp ánh nắng liền nở xòe.
Chẳng dính nước hữu vi, ai thấy cũng hoan hỷ. Đây vừa pháp vừa dụ. Dụ là chỉ cho hoa sen, từ gốc, cọng, hương nhụy, gặp ánh nắng xòe nở mà không dính nước nhơ. Hợp pháp là Bồ-tát cũng vậy, tâm các ngài đã có những gốc lành, tâm an ổn, trí tuệ, giới đức, khi gặp Phật pháp liền đầy đủ mọi công hạnh và không mắc kẹt trong pháp hữu vi.
Bồ-tát cây diệu pháp
Sanh trên đất trực tâm
Giống: tin, gốc: từ bi
Trí tuệ dùng làm thân.
Phương tiện làm cành nhánh
Ngũ độ làm tàng rậm
Lá định, bông thần thông
Nhất thiết trí làm trái.
Cây to: tối thượng lực
Che mát trùm tam giới.
Đoạn trên thí dụ Bồ-tát như hoa sen, đây thí dụ Bồ-tát như cội cây. Cây ấy lấy lòng tin làm hạt giống, từ bi làm gốc, trí tuệ làm thân, phương tiện làm cành nhánh, ngũ độ làm tàng rậm, định làm lá, thần thông làm bông, Nhất thiết trí làm trái, Cây ấy to lớn che mát cả tam giới. Bồ-tát sở dĩ đầy đủ mọi công hạnh làm an lạc tất cả chúng sanh là do lòng tin.
Bồ-tát: sư tử vương
Pháp bạch tịnh làm thân
Tứ đế dùng làm chân
Chánh niệm dùng làm cổ
Mắt: từ, đầu: trí tuệ.
Đảnh vấn lụa giải thoát
Trong hang: thắng nghĩa không
Rống pháp: bố chúng ma.
Đây dùng hình ảnh vua sư tử để thí dụ cho Bồ-tát. Sư tử lấy pháp bạch tịnh làm thân, bốn chân là tứ đế, cổ là chánh niệm, mắt từ bi, đầu trí tuệ, ở trong hang thắng nghĩa Không, rống lên tiếng pháp làm chúng ma kinh sợ.
Bồ-tát là thương chủ
Thấy khắp các quần sanh
Ở đồng hoang sanh tử
Xứ hiểm ác phiền não.
Bị giặc ma bắt cầm
Mê mù mất chánh đạo,
Chỉ cho đường chánh trực
Khiến vào vô úy thành.
Bồ-tát như thương chủ dẫn đoàn người đi buôn, vượt qua các con đường nguy hiểm để đến thành thị an toàn. Cũng vậy, Bồ-tát thấy các quần sanh đang ở trong cánh đồng hoang sanh tử, ở những chỗ hiểm ác phiền não, bị giặc ma bắt giam cầm, mê mù mất đường đi không thể nhớ. Các ngài chỉ cho đường đi ngay thẳng an ổn khiến họ được vào thành vô úy. Bồ-tát đầy đủ lòng từ bi, sau khi được giác ngộ thấy chúng sanh trong đồng hoang sanh tử đang bị các hiểm nạn, phiền não, ác ma mà không biết đường ra, các ngài làm người dẫn đường khiến cho thoát sanh tử đến Niết-bàn an vui.
Bồ-tát thấy chúng sanh
Bệnh phiền não ba độc
Chịu các thứ khổ não,
Lâu dài bị đốt nấu.
Vì họ, phát đại bi
Rộng nói môn đối trị
Có tám mươi bốn ngàn
Diệt trừ những khổ hoạn.
Bồ-tát thấy chúng sanh bị phiền não ba độc tham sân si làm khổ, chịu đốt nấu không biết bao nhiêu. Các ngài dùng Sai biệt trí khởi phương tiện độ sanh, tùy chúng sanh có bệnh nào liền dùng phương tiện đối trị, dạy cho họ biết dứt các bệnh đó.
Bồ-tát làm Pháp vương
Chánh đạo dạy chúng sanh
Bảo xa ác, tu thiện
Chuyên cầu Phật công đức.
Ở chỗ chư Như Lai
Quán đảnh thọ Phật ký
Rộng ban những Thánh tài
Bồ-đề phần: trân bảo.
Bồ-tát làm Pháp vương, đem giáo pháp giảng dạy một cách tự tại. Các ngài dùng chánh đạo để dạy chúng sanh, bảo cho chúng sanh biết tránh xa những điều ác, tu những điều thiện, bảo cho chúng sanh biết chuyên cầu công đức của Phật, ở chỗ đức Phật được quán đảnh, được thọ ký.
Bồ-tát chuyển pháp luân
Như chư Phật đã chuyển
Giới: trục, định: gọng xe
Trí: trang nghiêm, gươm: tuệ
Đã phá giặc phiền não
Cũng dẹp những ma oán
Tất cả các ngoại đạo
Vừa thấy liền tan rã.
Các vị Bồ-tát chuyển pháp luân cũng như chư Phật. Chữ pháp luân là vừa pháp, vừa dụ. Luân là bánh xe, pháp là chánh pháp. Nghĩa là khi các ngài đem chánh pháp giáo hóa chúng sanh như bánh xe bắt đầu lăn. Bánh xe ấy lấy giới làm trục, lấy định làm gọng, lấy trí làm trang nghiêm, lấy gươm báu làm tuệ. Đánh giặc phiền não xong lại dẹp những ma oán, tất cả các ngoại đạo vừa thấy liền tan rã.
Hình ảnh thí dụ thấy như Bồ-tát dữ quá, các ngài đánh, đập, chém… Đây ý nói người ngồi trên xe dùng giới, định, trí tuệ dẹp sạch phiền não, chúng ma thấy các ngài liền hoảng sợ, rã tan hết. Chúng ta nghe qua thấy cũng hay hay, nhưng suy gẫm chín chắn mới thấy tầm quan trọng của lời dạy. Đây là chỉ thẳng công hạnh Bồ-tát, Bồ-tát sở dĩ dẹp được ma oán, sở dĩ dẹp được ngoại đạo là gốc từ cái gì? Từ chỗ y theo pháp của chư Phật đã làm, giữ giới, thiền định, trí tuệ. Giới định tuệ đầy đủ mới dẹp được ma oán, ngoại đạo.
Bồ-tát biển trí tuệ
Sâu rộng không ngằn mé
Vị chánh pháp đầy tràn
Báu giác phần sung mãn.
Đại tâm không bờ mé
Nhất thiết trí nước triều
Chúng sanh chẳng thể lường
Nói đó không hết được.
Trí tuệ Bồ-tát như biển, sâu rộng không ngần mé, vị chánh pháp trong biển tràn đầy. Nếu chúng ta tu hành hiểu đạo chắc chắn, thật tình tu có trí sáng, lúc đó có được biển chứa đầy chánh pháp hay không? Người nào cũng được biển trí tuệ không bao giờ cạn, luôn sung mãn của báu Thất giác chi, tâm rộng lớn không bờ mé, dâng thủy triều Nhất thiết trí.
Bồ-tát núi Tu-di
Vượt hơn cả thế gian
Đảnh thần thông tam-muội
Đại tâm an bất động.
Nếu có ai gần gũi
Đồng một màu trí tuệ
Hơn hẳn các cảnh giới
Tất cả đều xem thấy.
Đây dụ Bồ-tát như núi Tu-di, vượt hơn cả thế gian.
Bồ-tát như kim cang
Chí cầu Nhất thiết trí
Tín tâm cùng khổ hạnh
Kiên cố chẳng động được.
Tâm ngài không e sợ
Lợi ích mọi quần sanh
Chúng ma và phiền não
Tất cả đều trừ diệt.
Ý chí của Bồ-tát vững chắc như kim cương, không có gì lay động. Đức Phật khi làm thái tử phát tâm xuất gia bỏ tất cả danh lợi, điều này cũng còn dễ. Cho đến khi ngài ở trong rừng tu khổ hạnh sáu năm, ăn hạt mè, hạt gạo còn da bọc xương, chuyện đó làm dễ hay khó? Với con mắt Nhị thừa ngài tu khổ hạnh để làm gì? Để chinh phục ngoại đạo. Lúc đó ngoại đạo cho tu khổ hạnh là hơn hết, thì ngài tu khổ hạnh để họ thấy rằng việc gì ngài cũng làm được.
Sau khi tu khổ hạnh, ngài thọ bát sữa rồi thiền định bốn mươi chín ngày dưới cội bồ-đề mới thành đạo. Đó là thị hiện sự khổ hạnh chỉ là một việc làm cực đoan, không đi đến nơi đến chốn. Muốn đến nơi đến chốn phải sống với tinh thần trung đạo, tức là bình thường không quá khổ hạnh cũng không quá thụ hưởng dục lạc.
Thụ hưởng dục lạc là sai lầm si mê, còn tu khổ hạnh cũng sai lầm si mê. Chỉ có người sống trung đạo bình thường mới dễ đạt đạo.
Nhìn theo kinh Hoa Nghiêm thì thấy khổ hạnh của ngài là biểu thị ý chí kiên cố như kim cương. Sự khổ hạnh thoát ly danh lợi giàu sang là bước đầu khó làm, nhưng xem ra còn dễ hơn đem thân mình chịu giày vò, đói khát, nắng mưa mà vẫn kham nhẫn sáu năm như vậy. Chính chỗ này phù hợp với tinh thần Thiền tông của chúng ta, muốn đạt đạo phải lập chí vững chắc như kim cương. Đức Phật là hình ảnh đầu tiên, kế đến là ngài Thần Quang dũng mãnh chặt tay. Người nào có ý chí đều chiến thắng ma vương phiền não dễ dàng như trở bàn tay. Chỉ có hạng người khổ một chút thì nhăn mày méo mặt, hay vừa động tới thì phiền não mới khó thành tựu.
Bồ-tát đại từ bi
Ví như mây đầy kín
Tam minh phát điển quang
Thần túc chấn lôi âm.
Khắp dùng tứ biện tài
Mưa nước bát công đức
Ướt nhuần tất cả chỗ
Khiến hết nóng phiền não.
Lòng đại bi của Bồ-tát chẳng khác nào như mây giăng đầy kín, tam minh như lằn điện chớp, thần túc như tiếng sấm. Các ngài dùng tứ biện tài, mưa nước bát công đức thấm ướt tất cả khiến hết nóng bức phiền não. Như vậy lòng từ bi ví như mây, như điện chớp, như tiếng sấm. Muốn cho chúng sanh tu thì mình phải thật tu, nếu không được tam minh thì cũng có trí tuệ sáng suốt, nhận hiểu tâm lý chúng sanh mới làm lợi ích cho họ được.
Bồ-tát: thành chánh pháp
Bát-nhã dùng làm vách
Tam quý làm hào sâu
Trí tuệ làm khí giới.
Mở rộng cửa giải thoát
Chánh niệm hằng phòng thủ
Tứ đế: đường bằng thẳng
Lục thông: nhóm quân đội.
Lại dựng tràng đại pháp
Bao quanh khắp dưới thành
Những ma quân ba cõi
Tất cả không vào được.
Bồ-tát dụ như thành chánh pháp, thành ấy lấy gì làm tường vách? Lấy Bát-nhã. Lấy gì làm hào hố? Lấy tàm quý. Dù có tường vách bao vững, nhưng nếu không có hào hố bên ngoài để ngăn ngừa giặc tấn công thì vách thành thế nào giặc cũng leo lên được, vì thế bên ngoài tường thành phải có hào sâu. Đi qua các thành cổ chúng ta sẽ thấy bên ngoài là hào sâu, kế đến là tường thành vững chắc, nếu bên ngoài là đất bằng thì giặc rất dễ vào.
Cũng vậy người tu phải nhờ trí Bát-nhã làm thành, nhờ tâm tàm quý làm hào, mỗi khi làm gì sai đạo lý liền có tâm hổ thẹn, không để ma vương xâm lấn, luôn luôn lấy chánh niệm phòng thủ. Bát-nhã, tàm quý, trí tuệ, giải thoát, chánh niệm, tứ đế, lục thông là những pháp cần thiết để giữ gìn thành chánh pháp của chúng ta không cho ma quân ba cõi xâm lấn.
Bồ-tát: Kim Điểu vương
Như ý làm chân cứng
Phương tiện: cánh mạnh khỏe
Từ bi: cặp mắt sáng.
Đậu cây: Nhất thiết trí
Xem biển cả: tam giới
Chụp bắt rồng: nhân, thiên
Để trên bờ tịch diệt.
Bồ-tát ví như đại bàng cánh vàng, lấy như ý làm chân cứng, lấy phương tiện làm cánh mạnh, lấy từ bi làm mắt sáng, đậu trên cây Nhất thiết trí. Bồ-tát cứu tất cả chúng sanh cõi người, cõi trời, các ngài dùng như ý, phương tiện, từ bi, Nhất thiết trí, xem trong tam giới ai có duyên thì độ họ, đưa đến chỗ giải thoát tịch diệt, Niết–bàn an ổn.
Bồ-tát: chánh pháp nhật
Xuất hiện ở thế gian
Giới phẩm: vầng nhật tròn
Thần túc: xoay đi mau
Chiếu sáng: trí tuệ quang
Lớn cây thuốc: căn, lực
Diệt trừ tối phiền não
Tiêu cạn biển ái dục.
Bồ-tát ví như mặt trời chánh pháp xuất hiện ở thế gian, lấy giới phẩm làm vầng tròn, lấy thần túc xoay đi mau, lấy ánh sáng trí tuệ làm lớn các cây thuốc căn lực. Được như vậy mới diệt trừ tối phiền não, tiêu cạn biển ái dục của chúng sanh. Điểm thiết yếu của Bồ-tát là luôn lấy giới, thần túc, trí tuệ chiếu sáng ngũ căn ngũ lực để độ chúng sanh.
Bồ-tát: trí quang nguyệt
Pháp giới làm vầng trăng
Đi nơi tất cánh không
Thế gian đều xem thấy.
Trong tam giới thức tâm
Tùy thời có tăng giảm
Trong tinh tú Nhị thừa
Tất cả không sánh kịp.
Trí tuệ Bồ-tát ví như ánh sáng mặt trăng, pháp giới như vầng trăng. Các ngài đi trong tất cánh không, tức là nhận được các pháp tự tánh rốt ráo không, vì vậy không bị chướng ngại, xem thấy khắp thế gian. Ở trong tam giới thức tâm, các ngài tùy thời thêm bớt để giảng dạy. Trí tuệ hàng Nhị thừa ví như ánh sáng tinh tú không sánh được với ánh sáng mặt trăng của Bồ-tát.
Bồ-tát: Đại pháp vương
Công đức trang nghiêm thân
Tướng hảo đều đầy đủ
Người, trời đều chiêm ngưỡng.
Phương tiện mắt thanh tịnh
Trí tuệ: chày kim cang
Nơi pháp được tự tại
Đem đạo dạy quần sanh.
Bồ-tát ví như đại Pháp vương được người trời chiêm ngưỡng.
Bồ-tát: Đại Phạm vương
Tự tại siêu ba cõi
Nghiệp hoặc thảy đều dứt
Từ, xả đều đủ cả.
Xứ xứ thị hiện thân
Khai ngộ dùng pháp âm
Ở trong ba cõi kia
Nhổ những gốc tà kiến.
Bồ-tát ví như Đại Phạm vương, tự tại vượt hơn ba cõi, đầy đủ từ bi hỷ xả, thị hiện mọi nơi để nhổ gốc tà kiến.
Bồ-tát: Tự Tại thiên
Siêu quá cõi sanh tử
Cảnh giới thường thanh tịnh
Trí tuệ không thối chuyển.
Tuyệt những đạo hạ thừa
Thọ những pháp quán đảnh
Đủ công đức trí tuệ
Tiếng tăm ai cũng nghe.
Bồ-tát ví như Tự Tại thiên vượt qua sanh tử, cảnh giới thanh tịnh, tuyệt không có đạo hạ thừa. Hạ thừa chỉ cho giáo pháp của nhân thiên vì chưa vượt qua khỏi sanh tử. Trung thừa chỉ cho giáo pháp của hàng Thanh văn Duyên giác. Thượng thừa chỉ cho giáo pháp của hàng Bồ-tát. Bồ-tát không bằng lòng chúng ta áp dụng giáo pháp hạ thừa, mà khuyến khích chúng ta thọ những pháp quán đảnh được thọ ký thành Phật, được đầy đủ công đức trí tuệ, mọi người đều nghe thấy danh xưng.
Bồ-tát: trí tuệ tâm
Thanh tịnh như hư không
Không tánh, không sử y
Tất cả bất khả đắc.
Có sức đại tự tại
Hay nên việc thế gian
Tự đủ hạnh thanh tịnh
Khiến chúng sanh cũng vậy.
Tâm trí tuệ của Bồ-tát thanh tịnh như hư không. Hư không, không phải là bụi, không phải là mây, không phải tất cả vật lăng xăng. Tuy trong hư không có bụi, có mây, nhưng nó không làm cho hư không lem lấm chướng ngại, vì thế nói thanh tịnh như hư không. Thí dụ này để chúng ta dễ nhận hiểu được tánh cách của Bồ-tát. Các ngài len lỏi trong trần tục giáo hóa chúng sanh, nhưng không bị trần tục, ô nhiễm của chúng sanh làm cho các ngài lem lấm. Như hư không có sức tự tại, cũng khiến thành tựu cho thế gian, Bồ-tát đủ hạnh thanh tịnh dạy chúng sanh cũng được thanh tịnh như các ngài.
Không tánh, không sở y, tất cả bất khả đắc, Bồ-tát thấy tất cả các pháp không tự tánh, không sở y, không khả đắc.
Có sức đại tự tại, hay nên việc thế gian, tự đủ hạnh thanh tịnh, khiến chúng sanh cũng vậy, chúng ta chú ý chỗ không sở y, không khả đắc. Đây liên hệ việc tu tập Đại thừa. Chúng ta học kinh điển Đại thừa nghe nói tất cả pháp đều không tự tánh, duyên hợp như huyễn, như hóa, chúng sanh cũng như huyễn, như hóa… Đã là như huyễn, như hóa thì tu tập làm gì cho mệt, lăn lộn trong trần tục độ sanh làm chi cho mệt? Hàng Nhị thừa khi xét thấy thế gian không thật các ngài liền nhập Niết-bàn, Bồ-tát thì ngược lại, thấy tất cả pháp không tánh, không sở y, không chỗ đắc, nhưng các ngài vẫn lăn lộn trong trần tại. Đã không thật thì có gì chướng ngại, những gì mọi người không phát tâm được thì các ngài phát tâm.
Hiểu theo tinh thần Đại thừa, biết các pháp không thật, người và cảnh đều không thật, cái biết đó hữu dụng chỗ nào? Nghĩa là khi nhận được lẽ thật đó là có trí tuệ Bát-nhã, không lầm, được trí tuệ đó rồi phải khởi đại bi tâm. Biết mình biết người huyễn hóa nên không mắc kẹt, không nhiễm ô, không bị phiền não trói buộc mà luôn luôn phát nguyện làm mọi việc giúp đỡ, hướng dẫn mọi người về với chánh pháp.
Bồ-tát, đất phương tiện
Lợi ích các quần sanh.
Bồ-tát, nước từ bi
Rửa sạch những phiền não.
Bồ-tát, lửa trí tuệ
Đốt những củi hoặc tập.
Bồ-tát, gió không dừng
Du hành ba cõi trống.
Bồ-tát, những trân bảo
Hay giúp nạn nghèo cùng,
Bồ-tát, như kim cang
Hay dẹp điên đảo kiến.
Bồ-tát, như anh lạc
Trang nghiêm thân ba cõi
Bồ-tát, như ma-ni
Tăng trưởng tất cả hạnh
Bồ-tát, đức như hoa
Thường phát Bồ-đề phần.
Bồ-tát, nguyện như tràng.
Hằng trùm đầu chúng sanh.
Bồ-tát, tịnh giới hương
Bền giữ không hủy phạm.
Bồ-tát, trí hương thoa
Huân khắp cả ba cõi.
Bồ-tát, lực như trướng
Hay ngăn bụi phiền não.
Bồ-tát, trí như tràng
Hay dẹp giặc ngã mạn.
Diệu hạnh làm gấm thêu
Trang nghiêm nơi trí tuệ.
Tàm quý là y phục
Trùm khắp các quần sanh.
Bồ-tát, xe vô ngại
Ngồi đó ra ba cõi.
Bồ-tát, tượng đại lực
Tâm tánh khéo điều phục.
Bồ-tát, ngựa thần túc
Bay chạy vượt các cõi.
Bồ-tát, rồng thuyết pháp
Mưa khắp tâm chúng sanh.
Bồ-tát, hoa ưu đàm
Thế gian khó gặp gỡ
Bồ-tát, tướng khỏe mạnh
Chúng ma đều hàng phục,
Bồ-tát, chuyển pháp luân
Như chư Phật đã chuyển.
Bồ-tát, đèn phá tối
Chúng sanh thấy chánh đạo.
Bồ-tát, sông công đức
Hằng thuận dòng chánh đạo.
Bồ-tát, cầu tinh tấn
Rộng độ các quần sanh.
Đại trí cùng hoằng thệ
Đồng làm thuyền bền chắc
Tiếp dẫn các chúng sanh
Đặt ở bờ Bồ-đề.
Bồ-tát, vườn du hý
Chân thật vui chúng sanh.
Bồ-tát, giải thoát hoa
Trang nghiêm cung điện trí.
Bồ-tát, như diệu dược
Diệt trừ bệnh phiền não.
Bồ-tát, như núi Tuyết
Xuất sanh thuốc trí tuệ.
Bồ-tát, đồng với Phật
Giác ngộ các quần sanh,
Tâm Phật đâu có khác
Chánh giác giác thế gian.
Như chỗ đến của Phật
Bồ-tát, đến như vậy.
Cũng như Nhất thiết trí
Dùng trí nhập phổ môn.
Bồ-tát, khéo khai đạo
Tất cả các quần sanh.
Bồ-tát, tự nhiên giác
Cảnh giới Nhất thiết trí.
Bồ-tát, vô lượng lực
Thế gian chẳng hoại được.
Bồ-tát, trí vô úy
Biết chúng sanh và pháp
Tất cả các thế gian
Sắc tướng đều sai khác.
Âm thanh và danh tự
Đều hay phân biệt biết.
Dầu rời nơi danh sắc
Mà hiện các thứ tướng
Tất cả các chúng sanh
Chẳng lường được đạo đó.
Những công đức như vậy
Bồ-tát đều thành tựu.
Biết tánh đều vô tánh
Hữu vô, không chấp trước.
Nhất thiết trí như vậy
Vô tận vô sở y
Nay tôi sẽ diễn thuyết
Khiến chúng sanh hoan hỷ.
Dầu biết các pháp tướng
Như huyễn đều không tịch
Mà dùng tâm bi nguyện
Và Phật oai thần lực
Hiện thần thông biến hóa
Vô biên vô lượng sự,
Những công đức như vậy
Các ngài phải nghe thọ.
Một thân hay thị hiện
Vô lượng thân sai biệt,
Không tâm không cảnh giới
Khắp ứng tất cả chúng.
Đại đa số người đọc kinh Hoa Nghiêm không hiểu được cảnh giới kinh Hoa Nghiêm. Toàn bộ kinh diễn tả cảnh giới Phật, cảnh giới đại Bồ-tát. Cảnh giới của các ngài có liên hệ với chúng ta không? Tuy là cảnh giới của Phật, của đại Bồ-tát nhưng không rời chúng sanh. Tại sao? Vì chư Phật Bồ-tát ngộ được, sống với chỗ chân thật mà chúng sanh sẵn có. Phàm phu chúng ta luôn chấp thân tứ đại là thân mình, vọng tưởng là tâm mình, bỏ quên ông chủ thật sự không sanh diệt sẵn có lâu nay, Khi tu tập phá được tâm vọng tưởng điên đảo này, phá được thân tứ đại không còn chấp trước, gọi là không tâm, không cảnh giới, lúc đó nhận ra tánh giác sẵn có, mặt thật xưa nay hiển hiện, khởi diệu dụng khắp ứng tất cả chúng sanh. Đến đây thì cảnh giới tròn đủ, một lá cây cọng cỏ cũng là cảnh giới Phật, không lìa danh tướng mà diễn pháp âm. Chính nơi cuộc sống chúng ta có được sức giải thoát của chư Phật, Bồ-tát. Đó là cách diễn tả của kinh Hoa Nghiêm.
Trong một âm diễn đủ
Tất cả các ngôn âm
Ngôn ngữ của chúng sanh
Tùy loại đều nói được.
Lìa hẳn thân phiền não
Mà hiện thân tự tại
Biết pháp bất khả thuyết
Mà diễn thuyết các pháp.
Tâm ngài thường tịch diệt
Thanh tịnh như hư không
Trang nghiêm khắp các cõi
Thị hiện tất cả chúng.
Nơi thân không chấp trước
Mà hay thị hiện thân,
Trong tất cả thế gian
Tùy nghi mà thọ sanh.
Dầu sanh tất cả xứ
Cũng chẳng trụ thọ sanh.
Biết thân như hư không
Nhiều loại tùy tâm hiện.
Bồ-tát thân vô biên
Hiện khắp tất cả xứ,
Thường cung kính cúng dường
Tối thắng Lưỡng Túc Tôn.
Hương hoa những kỹ nhạc
Tràng phan và bảo cái
Hằng dùng tâm thâm tịnh
Cúng dường lên chư Phật.
Chẳng rời một Phật hội
Ở khắp chỗ chư Phật,
Tại trong đại chúng kia
Vấn nạn, nghe thọ pháp.
Nghe pháp nhập tam-muội
Mỗi mỗi vô lượng môn,
Khởi định cũng như vậy
Thị hiện không cùng tận.
Khi Bồ-tát được sức tự tại không rời một chỗ mà hiện thân vô biên xứ, tuy hiện thân vô biên xứ mà không rời chỗ cũ. Đây là ý nghĩa “một là tất cả, tất cả là một”, cả hai dung nhiếp nhau, không rời nhau. Người tu thể nhập được lý dung hợp này rồi thì khi nhập thiền và khi xuất định đều như nhau. Chúng ta vì còn mê nên khi ngồi thiền im lặng, thân thanh tịnh, lúc đó nhàn hạ rảnh rang; khi đi đứng làm công kia việc nọ, suy nghĩ tính toán thì tâm lăng xăng lộn xộn. Đó là vì sức thiền định của chúng ta còn yếu. Đối với chư Bồ-tát thì nhập định hay xuất định thân tâm đều như như, trước sau như một.
Trí tuệ xảo phương tiện
Rõ thế đều như huyễn
Mà hay hiện thế gian
Vô biên những pháp huyễn.
Chỗ nhận hiểu và thực hành của Bồ-tát là biết thế gian như huyễn, các ngài làm Phật sự cũng như huyễn. Còn chúng ta thấy thế gian như thật, tất cả đều thật nên có tâm thương ghét, giận hờn, dính mắc mong được cái này, đến được chỗ kia, biến thành cái nọ… Bồ-tát có trí tuệ thấy các pháp như huyễn, nên khởi phương tiện khéo độ sanh, hiện vô biên pháp như huyễn, làm tất cả việc mà không thấy có người làm, việc làm.
Thị hiện nhiều loại sắc
Cùng hiện tâm và lời
Vào trong lưới các tưởng
Mà hằng không chấp trước.
Bồ-tát thị hiện nhiều loại sắc tướng không cố định, khi hiện thân lớn, khi hiện thân nhỏ, khi hiện thân nam, khi hiện thân nữ… Tâm và lời cũng vậy, khi hiện tâm của Bồ-tát, khi hiện tâm Thanh văn, khi hiện tâm chư thiên… Thị hiện nhiều tâm, nhiều lời khác nhau, dùng ngôn ngữ phân biệt của thế gian để giáo hóa thế gian mà không chấp trước. Đó là vào trong lưới các tưởng, mà hằng không chấp trước.
Hoặc hiện sơ phát tâm
Lợi ích nơi thế gian,
Hoặc hiện lâu tu hành
Rộng lớn vô biên tế.
Thí, giới, nhẫn, tinh tấn
Thiền định và trí tuệ
Tứ phạm, tứ nhiếp thảy
Tất cả pháp tối thắng.
Các ngài hiện sơ phát tâm để làm lợi ích thế gian, khuyến khích người mới phát tâm. Hoặc các ngài thị hiện tu hành lâu xa vô lượng vô biên tế, đầy đủ ba-la-mật, nào là tứ nhiếp pháp, tứ vô lượng tâm… Tu tập Tứ vô lượng tâm kết quả được sanh về cõi trời Phạm thiên, nên gọi là Tứ Phạm
Hoặc hiện hạnh thành mãn
Đắc nhẫn vô phân biệt.
Hoặc hiện còn một đời
Chư Phật quán đảnh cho.
Hoặc hiện tướng Thanh văn
Hoặc lại hiện Duyên giác
Xứ xứ nhập Niết-bàn
Chẳng bỏ hạnh Bồ-đề,
Hoặc hiện làm Đế thích
Hoặc hiện làm Phạm vương
Hoặc thiên nữ vây quanh
Hoặc lại ngồi yên lặng.
Hoặc hiện làm Tỳ-kheo
Tịch tịnh điều tâm mình.
Hoặc hiện Tự Tại vương
Thống lý pháp thế gian.
Hoặc hiện gái xảo thuật,
Hoặc hiện tu hạnh lành,
Hoặc hiện thọ ngũ dục,
Hoặc hiện nhập thiền định.
Hoặc hiện sơ thủy sanh
Hoặc trẻ, hoặc già chết.
Các ngài tùy duyên thị hiện nhiều hình thức, nhiều thân tướng, để tùy theo mỗi loài làm lợi ích chúng sanh.
Nếu ai muốn nghĩ bàn
Tâm nghi phát cuồng loạn.
Hoặc hiện ở Thiên cung
Hoặc hiện mới giáng thần
Hoặc nhập hoặc trụ thai
Thành Phật chuyển pháp luân.
Hoặc sanh hoặc Niết-bàn
Hoặc hiện nhập học đường
Hoặc tại trong thể nữ
Hoặc ly tục tu thiền.
Hoặc ngồi cây bồ-đề
Tự nhiên thành Chánh giác.
Hoặc hiện chuyển pháp luân
Hoặc hiện mới cầu đạo,
Hoặc hiện làm thân Phật
Ngồi yên vô lượng cõi.
Hoặc tu đạo bất thối
Tích tập hạnh Bồ đề,
Thâm nhập vô số kiếp
Thảy đều đến bỉ ngạn.
Tất cả những thị hiện đầy đủ như trên chứng tỏ sức tự tại của Bồ-tát đến lúc viên mãn, không còn chấp vào hình thức, không còn gì chướng ngại nữa.
Vô lượng kiếp một niệm
Một niệm vô lượng kiếp
Tất cả kiếp phi kiếp
Vì thế, thị hiện kiếp.
Không lai, không tích tập
Thành tựu những kiếp sự.
Đây nói vô lượng kiếp như một niệm, một niệm như vô lượng kiếp là nói về thời gian không thật. Một niệm ngắn vô cùng chỉ trong tích tắc đồng hồ, một kiếp như trong kinh diễn tả rất nhiều triệu năm. Mấy triệu năm với một tích tắc đồng hồ, mà thấy nó là một, làm sao chúng ta tin nổi điều này? Chúng sanh thấy một niệm và một kiếp khác nhau, Bồ-tát thấy một niệm và một kiếp không khác, thấy bằng cách nào mà không khác? Bởi Bồ-tát tâm không phân biệt, cảnh không phân biệt, dứt vọng cảnh, dứt vọng tình, các ngài không còn thấy cái chung riêng, dài ngắn, thời gian, không gian, sự vật, hình tướng… Tất cả đều là bóng ảo ảnh hóa không thật.
Ở trong một vị trần
Thấy khắp tất cả Phật
Thập phương tất cả xứ
Không xứ nào chẳng có
Quốc độ, pháp chúng sanh
Thứ đệ thảy đều thấy.
Trong một hạt bụi thấy tất cả chư Phật là nói về không gian không thật. Đứng về lý tánh thì hạt bụi tánh không, cho đến xứ sở, quốc độ, mười phương… đều tánh không. Tánh không của tất cả chư Phật với tánh không của hạt bụi không khác, là chỗ Bồ-tát được cái thấy viên dung vô ngại. Chúng sanh thấy hạt bụi là thật, quả đất là thật, quả đất lớn mà hạt bụi nhỏ, vì thế không thể tưởng tượng một ông Phật ngồi trong một hạt bụi. Khi thấy hạt bụi không còn là hạt bụi, quả đất không còn là quả đất, lúc đó mười phương cõi Phật đồng một thể tánh. Chỉ người nào không còn chấp tâm chấp cảnh mới thấy được lẽ thật này, nếu còn chấp tâm và cảnh thì rất khó hiểu thấu. Vì thế kinh này diễn tả cảnh giới Bồ-tát, hàng phàm phu không hiểu đến. Bồ-tát dùng trí lượng vô biên, không còn thấy có tâm, có cảnh. Tâm cảnh đã viên dụng rồi thì có gì chướng ngại được các ngài. Chúng sanh tâm cảnh không viên dung, vì còn thấy thật có ta người, vọng tình, phân biệt chạy theo lớn nhỏ, tốt xấu… không dứt.
Trải vô lượng kiếp số
Rốt ráo bất khả tận.
Bồ-tát biết chúng sanh
Rộng lớn không có biên,
Một thân chúng sanh kia
Vô lượng nhân duyên sanh.
Các ngài thấy thân chúng sanh rộng lớn, không có ngằn mé. Như thân chúng ta do tứ đại hợp thành là nhỏ hay lớn? Đã là đất nước gió lửa thì trùm cả bầu trời. Thân mình tánh không, thân chúng sanh cũng tánh không, thân mình và thân chúng sanh đồng là một. Do tâm rộng rãi không chấp biên tế của thân nên thấy thân chúng sanh lớn vô lượng vô biên. Chúng sanh quen phân biệt thân mình khác, thân người khác nên thấy thân nhỏ có giới hạn, nếu hòa đồng tứ đại, thì tứ đại đó không còn nhỏ nữa. Thể tánh tất cả pháp là không, thân chúng ta cũng duyên khởi tánh không, đến tất cả sự vật duyên khởi tánh không, thấy biết như vậy thì tánh không ấy chẳng chướng ngại nhau, tất cả đều rộng lớn không bờ mé.
Một thân chúng sanh kia, vô lượng nhân duyên sanh. Đứng về tứ đại thấy thân ta thể tánh trùm khắp, đứng về mặt nhân duyên thì thân chúng ta cũng trùm khắp. Như chúng ta ăn cơm sáng, thấy tri khố bưng lên một nồi cơm, cái thấy đó là đơn giản. Quán sát kỹ thấy cơm này từ gạo nấu chín, gạo ấy do tiệm bán gạo cung cấp, gạo có ra từ hạt lúa liên hệ đến người nông dân gieo cấy, liên hệ đến hạt giống, phân bón, nước tưới, thời tiết… Quán sát thấy nhân duyên liên hệ nhiều lớp, chúng ta mới có cơm ăn để bồi đắp cho thân tứ đại. Từ đó thấy sự sống của mình liên hệ với vũ trụ, thế thì thân chúng ta không phải nhỏ bé giới hạn, mà trùm cả vũ trụ.
Bồ-tát thấy các pháp trùng trùng duyên khởi, chúng ta tu giác ngộ rồi cũng nhận được sự liên hệ trùng trùng đó. Khi thấy được sự liên hệ rõ rằng thì tu tập thế nào? Mình là tất cả, tất cả là mình, một chúng sanh chưa thành Phật thì mình cũng chưa thành Phật. Vì vậy, ngài A-nan phát nguyện, nếu còn một chúng sanh chưa thành Phật thì ngài chưa chứng Niết-bàn, các vị Bồ-tát khác như ngài Địa Tạng cũng nguyện, địa ngục còn chúng sanh thì nguyện không thành Phật.
Như biết một vô lượng
Tất cả đều cũng vậy.
Chính chỗ này tôi thường hay nói, trong một nhóm huynh đệ có người này hay, người kia dở. Đối với người dở chúng ta nghĩ sao? Có ý muốn lánh xa tách rời người đó không? Với người dở chúng ta cần phải có tình thương, thông cảm và gần gũi họ, mới mong chuyển cái dở của họ thành cái hay, Nếu cứ cho rằng ta là cao siêu, người kia là thấp kém rồi không thân cận để dìu dắt, đó là hiểu biết hẹp hòi, nông cạn. Người trí hiểu sâu xa nên không bao giờ xa lìa chúng sanh, vì thế Bồ-tát thấy một chúng sanh còn nhiễm ô thì Bồ-tát còn nhiễm ô. Đây là quan niệm cao siêu của hạnh Bồ-tát.
Theo mình đã thông đạt
Dạy những người chưa học
Đều biết căn chúng sanh
Thượng trung hạ chẳng đồng,
Cũng biết căn chuyển dời
Nên độ, chẳng nên độ.
Khi Bồ-tát giáo hóa chúng sanh, theo chỗ thông đạt thấu hiểu của mình mà dạy những người chưa học để được học hiểu, dạy những người chưa biết để được biết. Bồ-tát biết căn tánh chúng sanh bậc hạ, bậc trung, bậc thượng để chuyển hóa. Các ngài không chấp căn tánh là cố định, tuy bây giờ người đó là hạ căn, nhưng đến khi nhận ra tánh linh rồi, tinh tấn tu tập liền chuyển thành bậc trung căn, thượng căn. Cũng có người thượng căn mà bị thấm nhiễm duyên xấu thì lâu ngày cũng chìm lặng. Đó gọi là Bồ-tát biết căn chuyển dời.
Bồ-tát cũng biết người nào nên độ, người nào không nên độ, với người có cơ duyên thuần thục thì nên độ, người cơ duyên chưa thuần thục thì chưa độ. Trong kinh A-hàm, Phật dùng thí dụ rất rõ. Một hôm, có người hỏi Phật có đầy đủ lòng đại bi không? Phật trả lời có. Người đó hỏi tại sao đức Phật chỉ giáo hóa các thầy Tỳ-kheo lớn, rồi từ từ mới đến thầy Tỳ-kheo nhỏ, sau đến các cư sĩ thân cận, mà những kẻ ngoại đạo ngài không giáo hóa. Phật thí dụ có nhiều thửa ruộng tốt xấu trung bình khác nhau, người nhà nông biết làm ruộng thì vào đầu mùa mưa trước tiên cày bừa gieo mạ trên thửa ruộng tốt, sau dần đến các thửa ruộng trung bình, cuối cùng mới đến ruộng xấu. Như thế mới không mất thời vụ.
Bồ-tát cũng vậy, lúc nào cũng có lòng đại bi, nhưng tùy theo căn tánh chúng sanh, người thuần thục thì giáo hóa trước, người chưa thuần thục thì giáo hóa sau, không giáo hóa một lần được. Nếu thấy sự sai biệt đó rồi, nói các ngài không có lòng đại bi là lầm lẫn.
Một căn tất cả căn
Triển chuyển sức nhân duyên
Vi tế đều sai khác
Thứ đệ không lầm loạn.
Các ngài theo thứ lớp mà chuyển hóa, tùy theo nhân duyên sai khác rất tế nhị của chúng sanh, biết ai nên độ trước, ai nên độ sau không lầm loạn.
Lại biết dục giải kia
Tất cả tập phiền não
Cũng biết khứ, lai, kim
Bao nhiêu những tâm hạnh.
Bồ-tát biết tùy theo nghiệp, theo chỗ ưa thích, theo tập khí phiền não của chúng sanh mà giáo hóa cho họ được lợi ích.
Thấu rõ tất cả hạnh
Không lai cũng không khứ,
Đã biết hạnh kia rồi
Vì nói pháp vô thượng.
Bồ-tát thấu rõ tất cả hạnh, tu tất cả hạnh như vậy mà không lại không khứ, tức là không đến không đi.
Tại sao? Vì biết tất cả hạnh đều không thật, là tánh không, đến không thật đến, đi không thật đi. Đã biết các hạnh như thế thì dạy cho chúng sanh thấu hiểu pháp vô thượng.
Hạnh tạp nhiễm, thanh tịnh
Tất cả đều biết rõ,
Một niệm được Bồ-đề
Thành tựu Nhất thiết trí.
Bồ-tát biết hạnh nào tạp nhiễm, hạnh nào thanh tịnh, hướng dẫn chúng sanh tránh tạp nhiễm, tu hạnh thanh tịnh. Một niệm được Bồ-đề, thành tựu Nhất thiết trí. Chúng ta thường nghe nói tu thành Phật phải trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp, tức là trải qua vô số kiếp, tại sao đây dạy chỉ một niệm được Bồ-đề? Câu này rất gần với nhà thiền, nghĩa là nếu nhận được tâm bất sanh bất diệt của mình thì chỉ một niệm liền được Bồ-đề.
Trụ Phật bất tư nghi chất
Rốt ráo tâm trí tuệ
Một niệm đều biết được
Tất cả hạnh chúng sanh.
Bồ-tát trí thần thông
Công lực đã tự tại,
Có thể trong một niệm
Qua đến vô biên cõi.
Bồ-tát trụ Phật bất tư nghì, tức là trong bất tư nghì của Phật thì tâm trí tuệ được rốt ráo cứu cánh cùng tột.
Một niệm đều biết được tất cả bất tư nghì của Phật, biết được tất cả công hạnh của chúng sanh. Người tu được đến chỗ này, không còn sợ chướng nạn, ở đâu cũng tự tại, đến đi tùy duyên, trong một niệm trùm hết cả ba cõi. Chúng ta tu tập đến nơi đến chốn mới thấy điều lạ này. Khi tâm ta không còn phân biệt riêng rẽ nữa thì đầy đủ hạnh Phổ môn hay hạnh Phổ Hiền. Thấy mình là tất cả, tất cả là mình, một tâm có đủ tam thiên giới, lúc đó có muốn đi du lịch nơi này nơi nọ nữa không? Đã đầy khắp rồi còn thiếu thốn gì nữa? Mười phương không còn chia phân ranh giới, không còn giới hạn giữa mình và người. Đây là trí thần thông của Bồ-tát, trong một niệm qua đến vô biên cõi.
Qua mau chóng như vậy
Tột đến vô số kiếp
Không xứ nào chẳng khắp
Chẳng động phần đầu lông.
Ví như nhà huyễn thuật
Hóa hiện những hình sắc
Tìm trong hình huyễn đó
Không sắc, không phi sắc.
Bồ-tát cũng như vậy
Dùng phương tiện trí huyễn
Mọi thứ đều thị hiện
Đầy khắp nơi thế gian.
Đây dùng thí dụ nhà huyễn thuật hay hóa hiện mọi thứ ở thế gian, trong các hình huyễn ấy không thể nói là sắc hay chẳng phải sắc. Bồ-tát cũng thế, dùng phương tiện như huyễn thị hiện khắp thế gian mà không dính mắc, không phân biệt là có là không.
Ví như tịnh nhật nguyệt
Gương sáng tại hư không
Bóng hiện ở trong nước
Chẳng bị nước làm tạp.
Đây dùng thí dụ bóng mặt trăng. Như mặt trăng vào nửa đêm trời trong, nhìn lên hư không chúng ta thấy một vòng tròn sáng, lúc đó nhìn xuống mặt hồ, ao… nơi nào cũng có bóng mặt trăng hiện. Bóng mặt trăng có bị nước hồ ao làm cho lem không? Có bị chất tạp dưới hồ làm cho xấu không? Bóng mặt trăng tuy hiện tất cả chỗ mà không tạp nhiễm, bóng mặt trăng vẫn là bóng mặt trăng. Bóng mặt trăng từ trên rọi xuống hay từ dưới rọi lên, bóng mặt trăng từ đâu đến và đi đâu? Nếu quán các pháp như huyễn thì không thể nói có đến, có đi, như bóng mặt trăng, như huyễn ảnh không thật.
Bồ-tát tịnh pháp luân
Phải biết cũng như vậy
Hiện trong tâm thế gian
Chẳng bị thế gian tạp.
Như người ngủ nằm mộng
Tạo tác nhiều công việc
Dầu trải ức ngàn năm
Nhưng một đêm chưa hết.
Bồ-tát trụ pháp tánh
Thị hiện tất cả sự
Vô lượng kiếp khả tận
Một niệm trí vô tận.
Đây thí dụ người trong khi ngủ mộng thấy mình làm công kia việc nọ, trải qua mấy chục năm, giật mình thức dậy thì chưa hết một đêm. Một đêm dài hay mấy chục năm dài? Thời gian dài với người đang ngủ mộng, Bồ-tát chỉ thấy một niệm. Với người ngộ rồi thì thời gian không thật, không cố định dài hay ngắn. Vì vậy, Bồ-tát trụ trong pháp tánh, thị hiện tất cả việc độ chúng sanh, trải qua vô lượng kiếp mà chỉ thấy trong một niệm.
Ví như trong sơn cốc
Và cùng trong cung điện
Theo tiếng đều hưởng ứng
Mà thật vô phân biệt.
Bồ-tát trụ pháp tánh
Hay dùng trí tự tại
Rộng phát âm tùy loại
Cũng vẫn vô phân biệt.
Đây dùng thí dụ âm vang. Khi chúng ta đứng trước hang núi mà hét to, nghe tiếng dội lại giống hệt như tiếng của mình. Hang núi đó thật tình có phân biệt bắt chước tiếng của mình cho giống hay không, hay chỉ nhân nơi có tiếng vọng vào rồi phát ra âm vang? Tiếng vang phát ra không cố ý phân biệt. Bồ-tát cũng vậy, khi các ngài giáo hóa chúng sanh, tùy tâm lượng chúng sanh mà ứng hiện một cách đặc biệt không phân biệt. Chính nhờ chỗ không phân biệt đó mà hay tùy loại chúng sanh giáo hóa.
Thí dụ chúng ta lúc mới tập đi xe đạp, thường hay bị ngã, càng cố ý kìm càng dễ té ngã. Đến thuần thục rồi tâm không cố ý phân biệt, ngồi lên xe đạp hoặc đảo qua đảo lại, hoặc buông tay, đạp một chân mà xe vẫn chạy thẳng, không cần kìm giữ. Cũng vậy, Bồ-tát được trí tự tại vừa gặp việc ngài liền thị hiện phương tiện độ sanh, không suy nghĩ phân biệt so tính. Bậc Bồ-tát có đối đáp nhưng không có vọng tưởng. Đó là chỗ vô phân biệt.
Như có thấy dương diệm
Tưởng đó cho là nước
Chạy theo chẳng được uống
Lần lựa càng thêm khát.
Tâm chúng sanh phiền não
Nên biết cũng như vậy
Bồ-tát khởi từ mẫn
Cứu cho họ xuất ly.
Như con nai khát nước, nhìn cánh đồng hoang từ xa hay những bãi sa mạc, thấy ánh nắng chập chờn tưởng như sóng nước, khi đến gần mới biết không phải là nước uống. Chúng sanh cũng như vậy, chạy theo ngũ dục cho là thật, cuối cùng không nắm bắt được gì, tâm thêm phiền não, càng đuổi theo ngũ dục thì càng khổ chất chồng.
Quán sắc như bọt nước
Thọ như bóng trên nước
Tưởng như ánh nắng gắt
Những hành như cây chuối.
Tâm thức dường như huyễn
Thị hiện đủ mọi sự
Biết năm uẩn như vậy
Trí giả không chấp trước.
Đây dạy pháp quán năm uẩn, trong kinh A-hàm cũng dạy quán như vậy. Quán sắc uẩn, tức quán thân tử đại về phần vật chất chẳng khác nào bọt nước. Chúng ta nhìn mặt biển thấy sóng đánh những bọt nước nổi lên, bọt đó là thật hay giả? Thấy là thật nhưng cầm lên thì tan hết, phải vậy không? Thế nên phải quán xét kỹ, thân sắc uẩn này do vật chất cấu tạo chẳng khác nào bọt nước.
Thọ uẩn là những cảm thọ cũng phải quán như bóng hình ở dưới nước. Đi đến ao hồ hay nhìn vào lu nước trong, thấy bóng mình ở mặt nước, bóng đó có thật không? Cũng vậy, các cảm thọ khổ vui hoặc không khổ không vui cũng đều như bóng không thật.
Quán tưởng ấm như ánh nắng, khi trời nắng thấy ánh chói như thế, không có gì là thật.
Quán hành uẩn như cây chuối. Những hành động của ý thức, của các tâm sở hành như cây chuối, nếu lột hết bẹ chuối thì còn cây chuối không? Chính cái suy nghĩ của mình chợt hiện rồi mất, cho nên không thật cũng như cây chuối.
Quán các thức tri ghi nhận phân biệt đều như huyễn, tùy duyên theo đối tượng mà sanh khởi không có thật thể.
Các xứ đều không tịch
Như cơ quan động chuyển,
Các giới tánh lìa hẳn
Vọng hiện ở thế gian.
Khi quán thấy năm uẩn đúng như thật, đó là người trí không còn chấp trước dính mắc vào giả ngã này. Khi biết năm uẩn như bọt bóng ánh nắng, tạm có rồi không, không phải bi quan mà tâm luôn rỗng lặng, dù ở nơi nào mình cũng thấy thanh tịnh. Năm uẩn của mình như vậy, năm uẩn của người cũng như vậy, tất cả chúng sanh đều như vậy. Thể tánh của năm uẩn đều là không, tánh không lặng lẽ bao trùm tất cả, mình là tất cả, tất cả là mình, không còn riêng rẽ. Nhận được chỗ này thì thấy cõi giới các chúng sanh, tánh nó hằng lìa hằng lặng lẽ không còn ranh giới phân biệt.
Bồ-tát trụ chân thật
Tịch diệt đệ nhất nghĩa
Rộng tuyên xướng các pháp
Mà tâm không sở y.
Các vị Bồ-tát trụ ở chỗ chân thật, thấy được chân tâm tịch diệt, tuyên xướng các pháp mà tâm thênh thang, không nương tựa vào đâu cả.
Không lai cũng không khứ
Cũng lại không có trụ,
Phiền não nghiệp khổ nhân,
Ba thứ hằng lưu chuyển.
Thân của chúng sanh như huyễn không từ đâu đến, cũng không đi về đâu, nên nói không lại không khứ cũng không có trụ. Tuy thân không thật nhưng do phiền não, nghiệp mà có thân sanh ra chuốc quả khổ. Ba thứ hoặc, nghiệp, khổ chồng chất lên nhau, lôi kéo lưu chuyển trong ba cõi. Hoặc, nghiệp, khổ gốc từ vô minh, muốn chấm dứt nó phải dứt hết vô minh. Tức ngay thân năm uẩn biết như bọt, như bóng, như ánh nắng, như cây chuối, như huyễn thuật thì liền hết vô minh. Nếu hết vô minh thì nghiệp ngay đó cũng hết, khổ ngay đó cũng hết. Có trí tuệ như cây đèn sáng phá tan đêm tối, vô minh dứt thì chuyển nghiệp, đó là lẽ thật.
Duyên khởi chẳng có không
Chẳng thật cũng chẳng hư
Như vậy vào trung đạo
Thuyết pháp không chấp trước.
Các pháp đều do nhân duyên sanh khởi, không phải có cũng không phải không. Biết pháp duyên khởi không thật, đó là đã vào trung đạo, không còn chấp trước nơi này, cũng không kẹt nơi kia. Biết các pháp như huyễn là được trung đạo đệ nhất nghĩa đế, khi ấy thuyết pháp hết sức tự tại.
Hay ở trong một niệm hoa
Khắp hiện tâm tam thế
Dục, Sắc, Vô sắc giới
Tất cả mọi sự vật.
Tùy thuận ba luật nghi
Diễn thuyết ba giải thoát
Kiến lập đạo tam thừa
Thành tựu Nhất thiết trí.
Các Bồ-tát có thể trong một niệm hiện cả ba đời, ba cõi Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới và tất cả mọi sự vật. Lúc đó tùy thuận ba luật nghi là Nhiếp luật nghi giới, Nhiếp thiện pháp giới, Nhiêu ích hữu tình giới, diễn nói ba giải thoát Không, Vô tướng, Vô nguyện, rồi nhân đó kiến lập đạo Tam thừa, thành tựu Nhất thiết trí. Đây là phương tiện khéo của Bồ-tát, dùng để chuyển hóa chúng sanh.
Thấu rõ xứ phi xứ
Các nghiệp và các căn
Giới, giải, cùng thiền định
Tất cả đạo chí xứ.
Bồ-tát thấu rõ xứ và phi xứ. Xứ là chỗ, phi xứ là không phải chỗ, tức là thấy tất cả các nơi chốn đều không thật. Các nghiệp, các căn, giới, giải thoát, thiền định, tất cả đạo chí xứ đều thấu rõ tất cả.
Túc mạng, niệm, thiên nhãn
Diệt trừ tất cả hoặc
Biết Thập lực của Phật
Mà chưa thành tựu được.
Bồ-tát biết Thập lực của Phật mà chưa viên mãn thành tựu được, vì còn ở giai vị Bồ-tát.
Thấu rõ các pháp không
Mà thường cầu diệu pháp
Chẳng cùng phiền não hiệp
Mà cũng chẳng tận lậu.
Thấu rõ các pháp không, tức là Bồ-tát do trí tuệ thấy các pháp tự tánh không mà luôn luôn cầu diệu pháp. Chẳng phải thấy pháp tánh không rồi không tu tập pháp lành. Chẳng cùng phiền não hiệp, tức là dầu chưa hết sạch phiền não nhưng không mắc kẹt trong phiền não.
Rộng biết đạo xuất ly
Mà dùng độ chúng sanh
Nơi đây được vô úy
Chẳng bỏ tu các hạnh.
Các Bồ-tát luôn luôn biết và chỉ cho chúng sanh qua khỏi tam giới, các ngài được sức vô úy và siêng tu muôn hạnh.
Không lầm, không trái đạo
Cũng chẳng mất chánh niệm
Tinh tấn, dục, tam-muội
Quán tuệ không tổn giảm.
Các Bồ-tát tuy độ chúng sanh mà không đi lầm, cũng không trái với đạo. Chúng ta độ chúng sanh nhiều khi đi trái với đạo hay lầm lẫn mà không tự biết. Tuy bận rộn độ chúng sanh nhưng các pháp tu của các ngài vẫn đầy đủ.
Tam tụ đều thanh tịnh
Tam thế đều thông sáng
Đại từ mẫn chúng sanh
Tất cả không chướng ngại.
Do nhập pháp môn này
Được thành hạnh như vậy
Nghĩa công đức trang nghiêm
Tôi giải nói phần ít.
Bồ-tát nhập pháp môn Phổ Hiền hạnh nguyện, nên thành tựu đầy đủ những công hạnh như vậy. Công đức trang nghiêm từ trước đến đây, ngài Phổ Hiền nói một phần ít thôi.
Tột ở vô số kiếp
Nói kia hạnh vô tận,
Nay tôi nói ít phần
Như hạt bụi trên đất.
Nương ở Phật trí trụ
Phát tưởng là kỳ đặc
Tu hành hạnh tối thắng
Đầy đủ đại từ bi.
Tinh cần tự an ổn
Giáo hóa các hàm thức
An trụ trong tịnh giới
Đủ những hạnh thọ ký.
Chư Bồ-tát trụ ở Phật trí khởi lên tưởng kỳ đặc, tu hành hạnh tối thắng, đầy đủ từ bi, tinh cần an ổn, luôn luôn giáo hóa tất cả chúng sanh. Các ngài an trụ trong tịnh giới và đầy đủ hạnh thọ ký của Phật.
Hay nhập Phật công đức
Hạnh, chúng sanh và cõi
Kiếp thế đều cũng biết
Không có tướng mỏi nhàm.
Các ngài hay vào biển công đức của Phật do đó biết hết các hạnh, tất cả chúng sanh, các cõi nước, cũng biết cả kiếp thế. Tuy làm nhiều việc như vậy, vẫn không thấy mỏi nhàm.
Sai biệt trí tổng trì
Thông đạt nghĩa chân thật
Tư duy nói vô tỷ
Tịch tịnh Đẳng chánh giác.
Phát tâm của Phổ Hiền
Tu hạnh nguyện Phổ Hiền
Sức từ bi nhân duyên
Đến đạo ý thanh tịnh.
Bồ-tát Phổ Hiền tượng trưng cho Sai biệt trí, tức là sau khi ngộ được Căn bản trí rồi khởi diệu dụng, diệu dụng khởi là nhờ Sai biệt trí. Căn bản trí được biểu hiện bằng hình ảnh ngài Văn-thù, còn Sai biệt trí biểu hiện bằng hình ảnh ngài Phổ Hiền. Ngài Văn-thù là trí, ngài Phổ Hiền là hạnh.
Từ Sai biệt trí khởi vô lượng diệu hạnh, nếu không có Sai biệt trí thì không khởi được vô lượng diệu hạnh. Sai biệt trí tổng trì, là gìn giữ nghĩa chân thật, tư duy, tịch tịnh Đẳng chánh giác. Tu hạnh nguyện Phổ Hiền, do nhân duyên của sức từ bi mà đến được đạo tâm ý thanh tịnh.
Tu hành ba-la-mật
Rốt ráo trí tùy giác
Chứng tri, lực, tự tại
Thành Bồ-đề vô thượng.
Thành tựu trí bình đẳng
Diễn thuyết pháp tối thắng
Hay trì đủ diện biện
Đến được bậc pháp vương.
Xa lìa nơi chấp trước
Diễn thuyết tâm bình đẳng
Xuất sanh ra trí tuệ
Biến hóa được Bồ-đề.
Trụ trì tất cả kiếp
Trí giả rất hoan hỷ,
Thâm nhập và y chỉ
Không sợ không nghi hoặc.
Rõ thấu bất tư nghì
Xảo mật khéo phân biệt
Khéo vào các tam-muội
Thấy khắp cảnh giới trí.
Rốt ráo những giải thoát
Du hý thần thông, minh.
Đều lìa hẳn triền phược
Viên lâm tha hồ dạo.
Bạch pháp làm cung điện
Chư hạnh đáng ưa thích
Hiện vô lượng trang nghiêm
Tại thế tâm vô động.
Thâm tâm khéo quán sát
Diệu biện hay khai diễn
Thanh tịnh Bồ-đề ấn
Trí quang chiếu tất cả.
Sở trụ không gì sánh
Tâm đó chẳng hạ liệt
Lập chí như núi to
Gieo đức dường biển thẳm.
Tại sao công đức của Bồ-tát nhiều như biển? Bởi vì Bồ-tát đã thấy sự liên hệ trùng trùng duyên khởi giữa mình và chúng sanh. Một chúng sanh còn ô nhiễm thì mình còn ô nhiễm, chúng sanh thì vô lượng nên công đức của Bồ-tát vô lượng vô biên. Nếu người thế gian đều biết các pháp liên hệ trùng trùng duyên khởi, thì mọi việc đều ổn đáng.
Tất cả mọi người đều liên quan với nhau, chúng ta đâu nỡ nói xấu ai, đâu nỡ hại ai, vì hại người là hại mình, nói xấu người tức nói xấu mình. Sở dĩ có oán thù hại người vì thấy mình và người tách rời, còn thấy tất cả đều không rời nhau thì làm sao muốn nói xấu, làm sao muốn hại nhau. Chúng ta luôn luôn nâng đỡ, luôn luôn giữ cho tốt đẹp, tâm ganh tỵ, thù oán, ghét hại theo đó mà hết. Áp dụng mối liên hệ này vào luân lý thì thế gian tốt đẹp biết bao.
Chúng sanh lúc nào cũng thấy mình là một cá thể riêng biệt, không thấy sự liên hệ giữa mình và người ở trong cõi đời này. Chẳng những mình liên hệ với người mà còn liên hệ với cả vũ trụ, mình không thể chuyển hóa riêng cá nhân mình, còn phải chuyển hóa tất cả chúng sanh, chuyển hóa cả vũ trụ. Vì vậy mình thành Phật thì chúng sanh và cõi giới cũng thành Phật, vì chánh báo chuyển thì y báo chuyển, Đó là tinh thần của Đại thừa. Cho nên kinh Hoa Nghiêm nói các cõi Phật hào quang sáng ngời, đất thành lưu ly, cây cối đều vàng ròng…
Như bảo, an trụ pháp
Mặc giáp, tâm thệ nguyện
Phát khởi những đại sự
Rốt ráo không thể hoại.
Được thọ ký Bồ-đề
An trụ tâm quảng đại
Bí tạng vô cùng tận
Giác ngộ tất cả pháp.
Thế trí đều tự tại
Diệu dụng không chướng ngại
Chúng sanh tất cả cõi
Và cùng các loại pháp.
Thân nguyện cùng cảnh giới
Trí tuệ thần thông thảy
Thị hiện ở thế gian
Vô lượng trăm ngàn ức.
Du hý và cảnh giới
Tự tại không chướng ngại
Lực, vô úy, bất cộng,
Tất cả nghiệp trang nghiêm.
Những thân và thân nghiệp
Ngữ và tịnh tu ngữ
Vì để được thủ hộ
Thành xong mười sự việc.
Bồ-tát tâm sơ phát
Và cùng tâm châu biến
Các căn không tán động
Chứng được căn tối thắng.
Thâm tâm, tăng thắng tâm
Xa lìa tâm phỉnh dối
Quyết định hiểu các pháp
Vào khắp ở thế gian.
Bỏ phiền não tập kia
Lấy đạo tối thắng này
Khéo tu cho viên mãn
Đến thành Nhất thiết trí.
Tiến tu nhập chánh vị
Quyết định chứng tịch diệt
Xuất sanh Phật pháp đạo
Thành tựu hiệu công đức.
Đạo và vô lượng đạo
Nhẫn đến đạo trang nghiêm
Thứ đệ khéo an trụ
Thảy đều không chấp trước.
Tay, chân và phúc tạng
Kim cang dùng làm tâm
Mặc áo giáp từ bi
Đầy đủ những khí giới.
Đầu trí, mắt minh đạt
Hạnh Bồ-đề làm tai
Giới thanh tịnh làm mũi
Diệt ám không chướng ngại.
Biện tài dùng làm lưỡi
Thân đến khắp mọi nơi
Trí tối thắng làm tâm
Đi đứng tu công hạnh.
Đạo tràng tòa sư tử
Tịnh nằm, chân không ở
Chỗ đi và quán sát
Vùng vẫy và gầm rống.
Rời tham, hằng bố thí
Bỏ mạn, gìn tịnh giới
Chẳng sân, thường nhẫn nhục
Chẳng lười, hằng tinh tấn.
Thiền định được tự tại
Trí tuệ không sở hành
Từ tế, bị không mỏi
Hỷ pháp, xả phiền não.
Ở trong các cảnh giới
Biết nghĩa cũng biết pháp
Phước đức đều thành mãn
Trí tuệ như gươm bén.
Chiếu khắp thích đa văn
Minh liễu xu hướng pháp
Biết ma và ma đạo
Thệ nguyện đều bỏ lìa.
Trong khi tu chúng ta biết những gì là ma và ma đạo không? Khi nội tâm dấy lên các phiền não buồn giận, thương ghét… đó là nội ma. Bên ngoài đối với ngũ dục khởi tâm tham luyến, đó cũng là ma. Ma bên ngoài là ngũ dục, ma bên trong là phiền não. Ma đạo là gì? Nếu biết phiền não mà cứ dấy khởi không dừng, biết ngũ dục là tai họa mà cứ nhiễm, đó là đi trên ma đạo.
Ma và ma đạo người tu nên biết rành rẽ, mỗi khi dấy lên một niệm xấu như buồn thương, giận ghét… khiến tâm bất bình thường, biết là ma liền bỏ. Nếu đã dấy lên mà vẫn tham nhiễm nó, tức là đi đường ma. Đối với ngũ dục hay lục trần, biết như vậy mà theo đuổi, tức là đi đường ma.
Thấy Phật cùng Phật nghiệp
Phát tâm đều nhiếp lấy
Rời mạn, tu trí tuệ
Chẳng bị ma nhiếp trì,
Mà được Phật nhiếp trì
Cũng được pháp nhiếp trì.
Hiện ở cung Đâu-suất
Và hiện ẩn Thiên cung
Thị hiện ở thai mẹ
Cũng hiện vi tế thú.
Hiện sanh và vi tiếu
Cũng hiện đi bảy bước
Hiện tu những kỹ thuật
Cũng hiện ở thâm cung.
Xuất gia tu khổ hạnh
Qua đến nơi đạo tràng
Đoan tọa phóng quang minh
Giác ngộ các quần sanh.
Hàng ma thành Chánh giác
Chuyển pháp luân Vô thượng
Thị hiện đều đã trọn
Hiện nhập đại Niết-bàn.
Học lịch sử Phật, chúng ta thấy thái tử Tất-đạt-đa sanh ở trong cung vua, hưởng vui sướng giàu sang, rồi từ bỏ vương vị đi tu, hành khổ hạnh, thành Chánh giác… Nếu cho đó là thật thì không hiểu Phật pháp. Phải biết rằng tất cả những việc đó đều là sự thị hiện của Bồ-tát, vì các ngài công hạnh viên mãn, nên thị hiện hưởng ngũ dục như vậy để đủ điều kiện giáo hóa chúng sanh.
Những hạnh Bồ-tát kia
Vô lượng kiếp tu tập
Quảng đại không ngằn mé
Nay tôi nói phần ít
Dầu khiến vô lượng chúng
An trụ Phật công đức
Chúng sanh và trong pháp
Rốt ráo không chấp lấy.
Đầy đủ hạnh như vậy
Du hý những thần thông
Đầu lông để các cõi
Trải qua ức ngàn kiếp,
Tay cầm vô lượng cõi
Qua khắp thân không mỏi
Đem về để bản xứ,
Chúng sanh chẳng hay biết.
Trên đầu sợi lông để các cõi nước, như quả địa cầu được đặt trên đầu sợi lông trải qua muôn ngàn ức kiếp. Như vậy ai có thể làm nổi? Đây là nói diệu dụng của sự dung nhiếp, còn gọi là sự sự vô ngại. Cái thật nhỏ và thật lớn dung nhiếp nhau không chướng ngại. Đầu sợi lông rất nhỏ, vô lượng cõi nước rất lớn vẫn dung nhiếp được nhau.
Tinh thần kinh Hoa Nghiêm nói về vũ trụ pháp giới có bốn đặc tính: sự vô ngại pháp giới, lý vô ngại pháp giới, lý sự vô ngại pháp giới, sự sự vô ngại pháp giới. Như căn cứ vào thân của mình biết nó là tứ đại, cây cỏ biết là tứ đại, quả địa cầu biết là tứ đại. Tứ đại ở mỗi sự vật không hai không khác, nhìn trên tứ đại thì mỗi mỗi sự vật dung nhiếp nhau không khó, gọi là sự sự vô ngại pháp giới.
Về mặt hình tướng, nhận chân mọi vật đều hiện hữu như huyễn, thấy được sự sự vô ngại pháp giới. Về mặt lý tánh, thân mình là nhân duyên sanh, thể tánh không, mọi vật đều do nhân duyên sanh, thể tánh cũng là không. Vì thể tánh không nên nó dung nhiếp nhau, gọi là lý sự vô ngại pháp giới. Thế nên một đầu sợi lông hay nhiều cõi nước đều thấy là lý tánh không. Vì lý tánh vô ngại dung nhiếp nên chúng đặt vào nhau không trở ngại.
Bồ-tát dùng tất cả
Trang nghiêm nhiều quốc độ
Để ở một lỗ lông
Chân thật đều cho thấy.
Lại dùng một lỗ lông
Nạp khắp tất cả biển
Biển lớn không tăng giảm
Chúng sanh chẳng nhiễu hại.
Căn cứ vào cái thấy của Bồ-tát, một lỗ chân lông hay là biển cả, hay là tất cả chúng sanh trong ấy đều là duyên khởi tánh không, Lỗ chân lông nhỏ là do mắt phàm của chúng ta thấy, hư không bên ngoài lớn cũng là mắt phàm của mình thấy. Trên lý tánh, lỗ chân lông và hư không không khác, không lớn nhỏ. Tánh không của lỗ chân lông, tánh không của biển cả, tánh không của chúng sanh dung nạp nhau không khó. Vì thế, đem biển lớn nạp vào lỗ chân lông, biển không bị rút nhỏ đi, chúng sanh ở trong biển cũng không trở ngại. Như tôi nói cái bàn này duyên khởi tự tánh là không, nói không mà không phá hoại các pháp là chỗ đặc biệt của Bồ-tát.
Vô lượng núi Thiết Vi
Tay bóp nát thành bụi
Một bụi nơi một cõi
Hết số vi trần này.
Đem những cõi trần đây
Lại nghiền nát thành bụi
Bụi này biết được số
Khó lường trí Bồ-tát.
Đây là Bồ-tát có trí bất khả tư nghì, không thể nghĩ bàn.
Ở trong một lỗ lông
Phóng vô lượng quang minh,
Sáng nhật nguyệt tinh tú
Sáng ma-ni, sáng lửa,
Nhẫn đến sáng chư thiên
Tất cả đều bị khuất.
Hào quang của Phật hay của Bồ-tát bao trùm tất cả, không phải là ánh sáng bình thường.
Diệt những khổ ác đạo
Vì nói pháp vô thượng
Tất cả các thế gian
Nhiều thứ tiếng sai biệt.
Bồ-tát một âm thanh
Hay diễn nói tất cả,
Quyết định phân biệt nói
Tất cả những Phật pháp
Khiến khắp các quần sanh
Nghe đó rất hoan hỷ.
Các Bồ-tát diệt khổ các đường ác, vì chúng sanh nói pháp vô thượng. Trên thế gian có rất nhiều ngôn âm sai biệt, Bồ-tát chỉ cần một âm thanh có thể diễn nói tất cả ngôn ngữ sai biệt mà chúng sanh đều nghe được.
Quá khứ tất cả kiếp
An trí nay, vị lai
Vị lai, hiện tại kiếp
Xoay để kiếp quá khứ.
Thị hiện vô lượng cõi
Cháy tan và thành, trụ
Tất cả các thế gian
Đều tại một lỗ lông.
Khứ, lai cùng hiện tại
Tất cả Phật mười phương
Đều ở tại trong thân
Phân minh mà hiển hiện.
Theo kinh Hoa Nghiêm, tất cả pháp giới đều ở trong tự thân của mỗi người. Ba đời quá khứ, vị lai, hiện tại và mười phương thảy đều ở trong thân của mình, phân minh mà hiển hiện. Tại sao? Khi chúng ta dẹp được tâm phân biệt, dứt chấp trước về thân ngũ uẩn, lúc đó thân tâm đều rỗng rang, trùm khắp mười phương. Hiểu theo tinh thần Đại thừa thì mình là tất cả, tất cả là mình. Mình là chư Phật, chư Phật là mình. Chỉ vì từ lâu chúng sanh quen ở trong vô minh hắc ám, phân biệt ta, người, vạn vật riêng rẽ. Khi phá được vô minh hắc ám phân biệt riêng rẽ đó, lúc ấy thấy tất cả là mình, trên một đầu lông có vô lượng cõi, chư Phật mười phương đều ở trong thân.
Biết sâu pháp biến hóa
Khéo ứng tâm chúng sanh
Thị hiện các loại thân
Mà đều vô sở trước.
Bồ-tát giáo hóa chúng sanh, tùy tâm chúng sanh ứng hiện mà không chấp trước.
Hoặc hiện ở sáu loài
Tất cả thân chúng sanh
Thân Thích, Phạm hộ thế
Thân chư thiên, thân người
Thân Thanh văn, Duyên giác,
Thân chư Phật Như Lai.
Hoặc hiện thân Bồ-tát
Tu hành Nhất thiết trí
Khéo nhập hạ, trung, thượng
Lưới tưởng của chúng sanh.
Bồ-tát biết tất cả tâm tưởng của chúng sanh ở bậc nào, rồi tùy duyên ứng hiện theo trình độ của họ mà giáo hóa. Kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn có nói: Bồ-tát Quán Thế Âm thị hiện ba mươi hai tướng để độ chúng sanh. Thích hợp thân cư sĩ thì ngài hiện thân cư sĩ, thích hợp thân tể quan thì hiện thân tể quan, thích hợp thân Bà-la-môn thì hiện thân Bà-la-môn… Chúng sanh muốn cầu con trai thì được con trai, muốn cầu con gái thì được con gái… Chúng ta đọc nghe rất thích, muốn gì được nấy, nhưng thiên hạ cầu được như ý hết không? Chỗ này Phật không nói dối, chỉ tại chúng ta hiểu sai lệch. Bồ-tát tùy nguyện độ sanh, nhưng chúng sanh phải có tu tập, chính sự tu tập mới được kết quả như ý. Nếu không tu mà cứ một bề cầu xin là mê tín.
Thị hiện thành Bồ-đề
Nhẫn đến những cõi Phật
Biết rõ những lưới tưởng
Nơi tưởng được tự tại.
Hiện tu hạnh Bồ-tát
Tất cả sự phương tiện
Thị hiện như vậy thảy
Những thần biến quảng đại.
Những cảnh giới như vậy
Thế gian chẳng biết được
Dầu hiện mà không hiện
Rốt ráo càng tăng thượng.
Tuy hiện mà không hiện, Bồ-tát dùng vô số pháp môn giáo hóa chúng sanh, mà rốt cuộc không hiện gì cả. Tại sao? Nếu Bồ-tát thật có hiện, thì những hiện thân đều biến thành thật. Hiện là hiện ra huyễn hóa không thật, cho nên hiện mà không hiện.
Tùy thuận tâm chúng sanh
Khiến được đạo chân thật
Thân, ngữ và cùng tâm
Bình đẳng như hư không.
Các ngài tùy thuận tâm chúng sanh đưa họ đến đạo chân thật. Đối với thân, ngữ, tâm, các ngài bình đẳng như hư không, tức là rỗng rang không còn kẹt, không còn chấp.
Tịnh giới làm hương thoa
Các hạnh làm y phục
Gấm pháp trùm búi tóc
Ma-ni Nhất thiết trí.
Công đức đều cùng khắp
Quán đảnh lên vương vị,
Ba-la-mật làm xe,
Thần thông dùng làm tượng.
Thần túc dùng như ngựa,
Trí tuệ làm minh châu,
Diệu hạnh làm thể nữ,
Tứ nhiếp chủ tạng thần.
Phương tiện làm chủ binh,
Bồ-tát chuyển luân vương,
Tam-muội làm thành quách,
Không tịch làm cung điện.
Giáp từ, gươm trí tuệ
Cung niệm, tên minh lợi,
Giăng cao lọng thần lực,
Lại dựng tràng trí tuệ.
Nhẫn lực chẳng lay động
Thẳng phá quân ma vương,
Tổng trì làm đất bằng,
Những hạnh làm nước sông,
Tịnh trí làm suối chảy,
Diệu tuệ làm rừng cây,
Chân không ao đứng sạch,
Giác phần làm hoa sen.
Thần lực tự trang nghiêm
Tam-muội thường đùa vui
Tư duy làm thể nữ,
Cam lộ làm mỹ thực.
Giải thoát vị nước uống,
Du hý nơi tam thừa,
Những hạnh Bồ-tát này
Vi diệu thêm tăng thượng.
Vô lượng kiếp tu hành
Tâm ngài không nhàm đủ.
Cúng dường tất cả Phật
Nghiêm tịnh tất cả cõi.
Khiến khắp tất cả chúng
An trụ Nhất thiết trí,
Tất cả cõi vi trần
Đều biết được số đó.
Tất cả hư không giới
Hột cát đo lường được
Tất cả tâm chúng sanh
Niệm niệm đếm biết được.
Phật tử các công đức
Nói đó không hết được.
Muốn đủ công đức này
Và những pháp thượng diệu.
Muốn cho những chúng sanh
Lìa khổ thường an lạc,
Muốn cho thân ngữ ý
Đều đồng như chư Phật,
Phải phát kim cang nguyện.
Học hạnh công đức này.
Đây kể công hạnh của Bồ-tát khi viên mãn tự tại sắp bước vào quả vị Phật, có đầy đủ vô lượng vô biên công đức như vậy.
Tóm lại, phẩm Ly Thế Gian nhưng nói những việc Bồ-tát vào đời độ sanh, làm các phương tiện thần biến không thể nghĩ bàn, rốt ráo hướng về quả vị Phật. Bồ-tát Phổ Hiền tượng trưng hạnh nguyện đầy đủ, thay Phật nói những điều vi diệu của Bồ-tát hạnh, khuyến khích chúng sanh noi theo để được lợi ích cho mình, cho người.