Nội dung:
Theo một số người nghiên cứu kinh điển nhà Phật thì kinh Hoa Nghiêm ra đời sau khi đức Phật nhập Niết-bàn khoảng sáu trăm năm. Bởi thế người ta nghi ngờ quyển Kinh xuất hiện cách xa thời Phật như vậy sẽ có những điều không chính xác, nên trước khi giảng kinh Hoa Nghiêm tôi phải lược nói sơ về phần xuất xứ của Kinh này.
Kinh Hoa Nghiêm ra đời kể từ thời ngài Long Thọ, tổ Thiền tông thứ 14. Vì vậy người ta nghi là bộ kinh Hoa Nghiêm này do tổ Long Thọ xiển dương, nhưng hỏi ở đâu mang ra mà xiển dương, thì có hai thuyết:
Thuyết thứ nhất theo phần lược sử trong những bộ luận nói về kinh Hoa Nghiêm. Tổ Long Thọ sau khi xuất gia tu hành, thông suốt hết các kinh điển Tiểu thừa mà không hài lòng. Sau này được một vị sư già đưa kinh Đại thừa cho xem, ngài rất thích thú mới tìm đọc những kinh điển Đại thừa. Về sau ở trong thất nhập định, được Đại Long, có chỗ nói là Long vương mời ngài xuống Long cung, chỉ cho kho tàng kinh điển Đại thừa, trong đó có bộ kinh Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm có ba bản, hai bản Thượng và Trung ẩn giấu chẳng truyền, bản Hạ có 100.000 bài kệ, 40 phẩm, hiện đang lưu truyền. Đây chính là bản do ngài Long Thọ xuống Long cung mang về.
Thuyết thứ hai có tính khoa học hơn. Có nhà nghiên cứu về sử cho rằng tổ Long Thọ là một nhà khảo cổ trứ danh, cho nên những kinh điển bằng chữ Phạn chôn vùi trong các ngôi chùa xưa ở vùng Hy-mã-lạp sơn, ngài đều tìm tòi và phát hiện ra hết. Vì vậy do tinh thần khảo cổ, ngài tìm được bộ kính Hoa Nghiêm.
Như vậy bộ kinh Hoa Nghiêm, dù muốn dù không, điểm chánh yếu cũng là do tổ Long Thọ xiển dương, điều đó không ai chối cãi được, dù là với tinh thần khảo cổ hay là xuống Long cung. Theo thiền sử, tổ Long Thọ ra đời sau đức Phật Niết-bàn khoảng sáu trăm năm, cho nên bộ kinh Hoa Nghiêm cũng xuất hiện vào khoảng này.
Kinh Hoa Nghiêm có bốn bản dịch:
1) Tam tạng pháp sư Phật-đà-bạt-đà-la (Buddhabhadra), Trung Hoa dịch là Giác Hiền, người Bắc Ấn, sang Trung Hoa dịch kinh này vào niên hiệu Nghĩa Hy thứ 14 đời Đông Tấn (418 TL) tại chùa Đạo Tràng đất Dương Châu. Bản chữ Phạn có đến ba vạn sáu ngàn bài kệ, dịch sang chữ Hán thành 60 quyển, nhan đề Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh. Vì để phân biệt với bản dịch đời Đường nên được gọi là Cựu dịch Hoa Nghiêm, hoặc Lục thập Hoa Nghiêm. Sa-môn Pháp Nghiệp bút thọ. Huệ Nghiêm, Huệ Quán nhuận sắc.
2) Tam tạng Địa-bà-ha-la (Divākara), Trung Hoa dịch là Nhật Chiếu, người Trung Ấn sang Trung Hoa ở tại Tây Kinh, chùa Thái Nguyên. Vào niên hiệu Vĩnh Long năm đầu, đời Đường (680 TL). Dịch kinh này thành 80 quyển nhưng còn nhiều chỗ thiếu sót, do hợp tác với luật sư Đạo Thành, pháp sư Bạt Trần, pháp sư Đại Thừa, riêng pháp sư Phục Lễ nhuận văn.
3) Tam Tạng Thật-xoa-nan-đà (Siksānanda), Trung Hoa dịch là Học Hỷ, người Vu Điền. Sang Trung Hoa ở tại Đông Đô, chùa Phật Thọ Ký. Bắt đầu dịch vào niên hiệu Chứng Thánh năm đầu đời Vũ Hậu (695 TL) đến niên hiệu Thánh Lịch thứ 2 (699 TL) dịch xong, thành 80 quyển, nhan đề Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, gọi là Đường bản, còn gọi là Tân dịch Hoa Nghiêm, hoặc Bát thập Hoa Nghiêm. Do sự hợp tác của các vị pháp sư Bồ-đề-lưu-chí, Nghĩa Tịnh đồng tuyên bản Phạn, Pháp Tạng và Phục Lễ tham dự bút thọ và nhuận văn.
4) Bát-nhã (Prajñā, 734 – ?), người Kế-tân, sang Trung Hoa vào niên hiệu Trinh Nguyên thứ hai (786 TL) đời Đường Đức Tông. Dịch thêm phẩm Phổ Hiền thành bộ Hoa Nghiêm 81 quyển, 40 phẩm (trước đây chỉ có 80 quyển, 39 phẩm). Đến năm Trinh Nguyên thứ 14 (798 TL) xong, nhan đề Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, 40 quyển – gọi đủ tên là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Nhập Bất Tư Nghì Giải Thoát Cảnh Giới Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm, gọi tắt là Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm, hoặc Tứ thập Hoa Nghiêm. Ngài Trừng Quán có hợp tác trong việc phiên dịch này.
Trong bốn bản dịch thì bản đang học này là bản Tân dịch Hoa Nghiêm, tức Tân Hoa Nghiêm Kinh do ngài Thật-xoa-nan-đà dịch Phạn Hán, hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch Hán Việt.
Kinh này sớ giải và tóm lược cương yếu rất nhiều, ở đây dẫn phần ít.
1) Hoa Nghiêm du ý, 01 quyển của ngài Cát Tạng, đời Tùy.
2) Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh sưu huyền phần tề thông trí phương quỹ, 10 quyển của ngài Trí Nghiễm đời Đường.
3) Hoa Nghiêm Văn Nghĩa Trương Mục, 01 quyển của ngài Pháp Tạng.
4) Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh sớ 60 quyển của ngài Trừng Quán, đời Đường.
Nếu có thời gian chúng ta nên đọc qua quyển này.
5) Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh tùy sớ diễn nghĩa sao, 90 quyển của ngài Trừng Quán.
6) Đại Hoa Nghiêm Kinh lược sách, 01 quyển của ngài Trừng Quán.
7) Tân Dịch Hoa Nghiêm Kinh thất xứ cửu hội tụng thích chương, 01 quyển của ngài Trừng Quán.
8) Tân Hoa Nghiêm Kinh luận, 40 quyển của Lý Thông Huyền đời Đường.
9) Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh trung quyển đại ý lược tự, 01 quyển của Lý Thông Huyền.
10) Lược thích tân Hoa Nghiêm Kinh tu hành thứ đệ quyết nghi luận, 04 quyển của Lý Thông Huyền.
11) Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Nguyện Hạnh Quán Môn, 02 quyển của Trạm Nhiên, đời Đường.
12) Hoàng đế giáng đản U Nhật Lân Đức Điện giảng Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh huyền nghĩa nhất bộ, 01 quyển của Tịnh Cư đời Đường.
13) Hoa Nghiêm Kinh luận quán, 15 quyển của Khuê Phong Tông Mật đời Đường, nhưng bị thất lạc.
Nếu chúng ta có đọc những bài sớ giải hoặc những quyển luận về kinh Hoa Nghiêm, như bản sớ giải của Hiền Thủ tức ngài Pháp Tạng, hoặc bản sớ giải của ngài Trừng Quán, tức là tổ Thanh Lương, hay của cư sĩ Lý Thông Huyền thì mới thấy kinh Hoa Nghiêm thật hay, ý nghĩa rất thâm sâu.
Bộ kinh Hoa Nghiêm tám mươi mốt quyển có phân ra bảy chỗ, chín hội, bốn mươi phẩm.
Hội thứ nhất: Bồ-đề Tràng
Có 6 phẩm (từ quyển 01 đến quyển 11):
1) Phẩm Thế Chủ Diệu Nghiêm, 05 quyển (từ quyển 01 đến hết quyển 05)
2) Phẩm Như Lai Hiện Tướng, 01 quyển (quyển 06)
3) Phẩm Phổ Hiền Tam-muội (phần đầu quyển 07)
4) Phẩm Thế Giới Thành Tựu (phần sau quyển 07)
Hai phẩm này thành 01 quyển.
5) Phẩm Hoa Tạng Thế Giới, 03 quyển (từ quyển 08 đến quyển 10)
6) Phẩm Tỳ-lô-giá-na, 01 quyển (quyển 11)
Hội thứ hai: Phổ Quang Minh Điện
Có 6 phẩm (từ quyển 12 đến quyển 15):
7) Phẩm Như Lai Danh Hiệu (phần đầu quyển 12)
8) Phẩm Tứ Thánh Đế (phần sau quyển 12)
Hai phẩm này thành 01 quyển.
9) Phẩm Quang Minh Giác (phần đầu quyển 13)
10) Phẩm Bồ-tát Vấn Minh (phần sau quyển 13)
Hai phẩm này thành 01 quyển.
11) Phẩm Tịnh Hạnh (phần đầu quyển 14)
12) Phẩm Hiền Thủ (phần sau quyển 14 và trọn quyển 15)
Hai phẩm này gồm chung thành 02 quyển.
Hội thứ ba: Tu-di Sơn Đảnh
Có 6 phẩm (từ quyển 16 đến quyển 18):
13) Phẩm Thăng Tu-di Sơn Đảnh (phần đầu quyển 16)
14) Phẩm Tu-di Sơn Đảnh Kệ Tán (phần kế quyển 16)
15) Phẩm Thập Trụ (phần sau quyển 16)
Ba phẩm này thành 01 quyển.
16) Phẩm Phạm Hạnh (phần đầu quyển 17)
17) Phẩm Sơ Phát Tâm Công Đức (phần sau quyển 17)
Hai phẩm này thành 01 quyển.
18) Phẩm Minh Pháp, 01 quyển (quyển 18)
Hội thứ tư: Dạ-ma Thiên Cung
Có 04 phẩm (từ quyển 19 đến quyển 21)
19) Phẩm Thăng Dạ-ma Thiên Cung (phần đầu quyển 19)
20) Phẩm Dạ-ma Cung Trung Kệ Tán (phần giữa quyển 19)
21) Phẩm Thập Hạnh (phần sau quyển 19 đến hết quyển 20)
Ba phẩm này thành 02 quyển.
22) Phẩm Vô Tận Tạng, 01 quyển (quyển 21)
Hội thứ năm: Đâu-suất Thiên Cung
Có 3 phẩm (từ quyển 22 đến quyển 33):
23) Phẩm Thăng Đâu-suất Thiên Cung, 01 quyển (quyển 22)
24) Phẩm Đâu-suất Cung Trung Kệ Tán (phần đầu quyển 23)
25) Phẩm Thập Hồi Hướng (phần sau quyển 23 đến hết quyển 33)
Hai phẩm sau gồm thành 11 quyển.
Hội thứ sáu: Tha Hóa Tự Tại Thiên
Có 01 phẩm (quyển 34 đến quyển 39):
26) Phẩm Thập Địa, có 06 quyển (từ quyển 34 đến quyển 39)
Hội thứ bảy: Trở Lại Điện Phổ Quang Minh
Có 11 phẩm (từ quyển 40 đến quyển 62):
27) Phẩm Thập Định, có 04 quyển (từ quyển 40 đến quyển 43)
28) Phẩm Thập Thông (phần đầu quyển 44)
29) Phẩm Thập Nhẫn (phần sau quyển 44)
Hai phẩm này thành 01 quyển.
30) Phẩm A-tăng-kỳ (phần đầu quyển 45)
31) Phẩm Thọ Lượng (phần giữa quyển 45)
32) Phẩm Chư Bồ-tát Trụ Xứ (phần sau quyển 45)
Ba phẩm này thành 01 quyển.
33) Phẩm Phật Bất Tư Nghì Pháp, 02 quyển (quyển 46 đến quyển 47)
34) Phẩm Như Lai Thập Thân Tướng Hải (phần đầu quyển 48)
35) Phẩm Như Lai Tùy Hảo Quang Minh Công Đức (phần sau quyển 48)
Hai phẩm này thành 01 quyển.
36) Phẩm Phổ Hiền Hạnh (quyển 49)
37) Phẩm Như Lai xuất hiện, 03 quyển (từ quyển 50 đến quyển 52)
Hội thứ tám: Cũng Ở Điện Phổ Quang Minh
Có 01 phẩm (từ quyển 53 đến quyển 59):
38) Phẩm Ly Thế Gian, 07 quyển (từ quyển 53 đến quyển 59)
Hội thứ chín: Ở Tại Rừng Thệ-đa
Có 02 phẩm (từ quyển 60 đến 81):
39) Phẩm Nhập Pháp Giới, 20 quyển (quyển 60 đến hết quyển 80)
40) Phẩm Phổ Hiền, 01 quyển (quyển 81)
A/ Ý NGHĨA CỦA MỖI HỘI
Hội thứ nhất tại Bồ-đề Tràng: Nói về quả đức của Phật là cảnh tin vui.
Khi Phật mới thành đạo, tại Bồ-đề Tràng, tức là dưới cây bồ-đề, ngài nói về quả đức của Phật là cảnh rất đáng tin, rất vui vẻ.
Hội thứ hai không lìa Bồ-đề Tràng mà nhận Long vương thỉnh đến điện Phổ Quang Minh: Biện rõ tâm chánh tín (Thập tín).
Hội thứ nhất cho biết quả đức của Phật, là công đức mà Phật thành tựu đạo quả, để cho chúng ta có lòng ham vui ưa thích. Đến hội thứ hai, Phật chỉ cho tin nhận và tinh tấn một cách đúng đắn, nên gọi là Thập tín.
Hội thứ ba không lìa Bồ-đề Tràng, thọ Thiên vương thỉnh lên cung trời Đao-lợi: Nói về Tuệ căn (Thập trụ).
Từ Thập tín tiến lên Thập trụ.
Hội thứ tư chẳng rời Bồ-đề Tràng, lên cung trời Dạ-ma: Nói về chánh hạnh (Thập hạnh).
Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh… là những công hạnh của Bồ-tát từ từ tiến lên.
Hội thứ năm chẳng rời Bồ-đề Tràng, lên cung trời Đâu-suất: Nói về phát nguyện hồi hướng (Thập hồi hướng).
Hội thứ sáu chẳng rời Bồ-đề Tràng, ứng hiện trời Tha Hóa Tự Tại: Nói lên Thánh vị (Thập địa).
Người tu hành tiến lên Thánh vị là bước chân vào Thập địa.
Hội thứ bảy chẳng rời Bồ-đề Tràng, trở lại điện Phổ Quang Minh: Nói về nhân viên quả mãn (Đẳng giác).
Hội thứ tám vẫn không rời Bồ-đề Tràng, ở tại điện Phổ Quang Minh: Nói về nương giải khởi hạnh được viên dung, có không đều bặt (Diệu giác).
Từ Đẳng giác bước qua Diệu giác.
Hội thứ chín chẳng rời Bồ-đề Tràng, vào rừng Thệ đa: Nói về nhập pháp giới minh chứng, cảnh tri nhất như.
Tức chỉ cho biết từ Tín, Trụ, Hạnh, Hướng, Địa, Đẳng giác, Diệu giác rồi, bây giờ phải nhập pháp giới minh chứng, tức là chứng biết rõ ràng, cảnh và trí cả hai đều nhất như, trọn vẹn thành Phật.
Như vậy, tuần tự từ hội thứ nhất đến hội thứ chín, đức Phật chỉ dạy cho chúng ta thấy tường tận, công đức quả báo của Phật như thế nào, để chúng ta khởi lòng hâm mộ. Qua hội thứ hai giải thích để cho chúng ta có một tín tâm chân chánh về quả đức của Phật. Khi có tín tâm chân chánh rồi, tất nhiên vào địa vị Bồ-tát từ thấp lần lần lên cao, từ sơ phát tâm là Thập tín cho đến Diệu giác thành Phật, công hạnh tu hành đầy đủ viên mãn. Tới hội cuối, ngài chỉ cho cách nhập pháp giới, tức là từ sơ phát tâm cho đến thành Phật chỉ trong một đời này.
Như vậy kinh Hoa Nghiêm chỉ dạy rành rẽ con đường tu thành Phật từ thủy chí chung. Nhưng điểm đặc biệt ở đây là, tuy lên các cung trời nói kinh mà lúc nào cũng không rời Bồ-đề Tràng. Đó là cốt lõi quan trọng của kinh Hoa Nghiêm.
B/ Ý NGHĨA CỦA MỖI PHẨM
1) Phẩm Thế Chủ Diệu Nghiêm: Phật Tỳ-lô-giá-na mới thành chánh giác tại cội bồ-đề, những Thế chủ trong mười phương và quyến thuộc cùng chư Bồ-tát đồng tụ hội, cả thảy là bốn mươi chúng, (có chỗ để là năm mươi hai chúng) chia làm sáu phần.
a/ Đại chúng vân tập
b/ Chư Thiên vương giải thoát môn
c/ Chư Thần vương giải thoát môn
d/ Chư Thần chủ giải thoát môn
e/ Đại Bồ-tát giải thoát môn
g/ Chư Bồ-tát cúng dường tán thán
2) Phẩm Như Lai Hiện Tướng: Phật hiện chân tướng, từ nơi răng miệng Phật phóng quang minh vô lượng, chư Bồ-tát cảm nhận được quang minh này, từ mười phương đồng đến tán thán cúng dường.
3) Phẩm Phổ Hiền Tam-muội: Chân tướng ly tướng không phải hàng Bồ-tát nhỏ có thể quán được, phải là bậc đại sĩ Phổ Hiền nhập Tự tại định mới chứng được cảnh giới của Phật.
Cho nên đến đây ngài Phổ Hiền xuất hiện.
4) Phẩm Thế Giới Thành Tựu: Phật có phần y báo, trong y báo này trước nói về nhân duyên đầy đủ, nào là nhân duyên có thế giới hải, nào là chỗ trụ thế giới hải, nào là hình tướng thế giới hải v.v…
5) Phẩm Hoa Tạng Thế Giới: Nói về thế giới sở y của phần y báo. Tức nói thế giới là cảnh sở y.
6) Phẩm Tỳ-lô-giá-na: Đây là nói về chánh báo của Như Lai.
Ở trên nói về cảnh riêng của Như Lai, tới phẩm Tỳ-lô-giá-na là nói đến đức Như Lai hiện ở hay hiện thân.
7) Phẩm Như Lai Danh Hiệu: Phật ứng hiện để giáo hóa chúng sanh, trước hiện ba nghiệp thanh tịnh. Phẩm này nói về thân nghiệp thanh tịnh. Phật phóng hào quang, mười phương các cõi Phật đều có một vị Bồ-tát đến nghe pháp, đứng đầu là Bồ-tát Văn-thù, còn các vị khác đều có chữ Thủ ở sau.
8) Phẩm Tứ Thánh Đế: Nhằm vào ngữ nghiệp thanh tịnh để thuyết giáo. So sánh Tứ thánh đế ở cõi Ta-bà này nói, với pháp cõi khác nói; danh từ không đồng nhau song cùng một ý nghĩa.
9) Phẩm Quang Minh Giác: Nhằm vào ý nghiệp thanh tịnh. Từ dưới lòng bàn chân của Phật phóng hào quang qua suốt vô lượng cõi Phật ở mười phương, mỗi cõi đều có Bồ-tát Văn-thù nói kệ tán thán Phật.
10) Phẩm Bồ-tát Vấn Minh: Vì muốn sanh chánh tín trước phải có chánh giải, nên chư Bồ-tát thưa hỏi. Bồ-tát Văn-thù cật vấn các vị Bồ-tát Giác Thủ v.v… về tâm tánh, hành động và công đức… của Như Lai.
11) Phẩm Tịnh Hạnh: Có giải mà không hạnh cũng như nói ăn mà bụng vẫn đói, nên phẩm này chú trọng lập hạnh thanh tịnh. Hạnh thanh tịnh cốt giữ gìn ba nghiệp thanh tịnh.
12) Phẩm Hiền Thủ: Nhân hạnh thanh tịnh là nguồn của công đức, là dẫn đầu muôn việc lành, là gốc của tâm chánh tín.
13) Phẩm Thăng Tu-di Sơn Đảnh: Phật không rời Bồ-đề Tràng lên cõi trời Đao-lợi, chư thiên tập họp dẫn đầu là Đế-thích thỉnh Phật vào điện.
14) Phẩm Tu-di Đảnh Kệ Tán:
Chư Bồ-tát mười phương tụ hội đến nói kệ tán Phật.
15) Phẩm Thập Trụ: Bồ-tát Pháp Huệ do sức gia hộ của Phật nói Thập Trụ: Sơ phát tâm trụ, Trị địa trụ, Tu hành trụ, Sanh quý trụ, Cụ túc phương tiện trụ, Chánh tâm trụ, Bất thối trụ, Đồng chân trụ, Pháp vương tử trụ, Quán đảnh trụ.
16) Phẩm Phạm Hạnh: Biện rõ phần giải tuệ ở trong Thập trụ. Quán sát mười pháp: Thân, Thân nghiệp, Ngữ, Ngữ nghiệp, Ý, Ý nghiệp, Phật, Pháp, Tăng, Giới.
17) Phẩm Sơ Phát Tâm Công Đức: Giải về phần hạnh trong Thập trụ, mới phát Bồ-đề tâm công đức bất khả tư nghì. Tức là phát công đức Bồ-đề Tâm.
18) Phẩm Minh Pháp: Tiến tu để viên mãn Thập trụ. Bồ-tát Tinh Tấn Huệ đứng ra thưa hỏi cách tu tập thế nào được an trụ trong Thánh vị của Bồ-tát.
19) Phẩm Thăng Dạ-ma Thiên Cung: Chư thiên tập hợp, Thiên vương thỉnh Phật ngự trên bảo tòa ở Thiên cung.
20) Phẩm Dạ-ma Cung Kệ Tán: Mười phương Bồ-tát tụ hội nói kệ tán thán Phật.
21) Phẩm Thập Hạnh: Nói rõ Thập hạnh của Bồ-tát: Hoan hỷ hạnh, Nhiêu ích hạnh, Vô vi nghịch hạnh, Vô khuất nhiễu hạnh, Vô si loạn hạnh, Thiện hiện hạnh, Vô trước hạnh, Nan đắc hạnh, Thiện pháp hạnh, Chân thật hạnh.
22) Phẩm Vô Tận Tạng: Thành tựu công hạnh của Thập hạnh có: Tín tạng, Giới tạng, Tàm tạng, Quý tạng, Văn tạng, Thí tạng, Tuệ tạng, Niệm tạng, Trí tạng, Biện tạng.
23) Phẩm Thăng Đâu suất Thiên Cung: Chư thiên tập hợp, Thiên vương thỉnh Phật ngự tại tòa Ma-ni tạng sư tử ở giữa điện.
24) Phẩm Đâu-suất Kệ Tán: Chư Bồ-tát ở mười phương thế giới đồng tụ hội cúng dường và nói kệ tán Phật, dẫn đầu là Kim Cang Tràng Bồ-tát.
25) Phẩm Thập Hồi Hướng: Kim Cang Tràng Bồ-tát thừa thần lực của Phật nói Thập hồi hướng: Cứu hộ nhất thiết chúng sanh ly chúng sanh tướng hồi hướng, Bất hoại hồi hướng, Đẳng nhất thiết chư Phật hồi hướng, Chí nhất thiết xứ hồi hướng, Vô tận công đức tạng hồi hướng, Nhập nhất thiết bình đẳng thiện căn hồi hướng, Đẳng tùy thuận nhất thiết chúng sanh hồi hướng, Chân như tướng hồi hướng, Vô phược vô trước giải thoát hồi hướng, Nhập pháp giới vô lượng hồi hướng.
Hồi tự hướng tha, hồi tiểu hướng đại, hồi sự hướng lý. Đó là tinh thần hồi hướng.
26) Phẩm Thập Địa: Địa có nghĩa sanh thành, vô lậu thánh trí hay sanh Bồ-đề, thành quả đức của Phật. Thế Tôn ngự trên điện Ma-ni bảo tạng, trong cung trời Tha Hóa Tự Tại. Bồ-tát Kim Cang Tạng nhờ sự gia hộ của Phật, vì đại chúng nói Thập địa:
– Hoan hỷ địa: Bỏ phàm lên thánh, đoạn chướng chứng chân được sanh trong nhà Phật.
– Ly cấu địa: Tịnh tu ba nghiệp như lửa luyện vàng lìa lầm nhờ Phạm giới (giới thanh tịnh).
– Phát quang địa: Tu chứng thiền định hay hiện thần thông phát ánh sáng diệu tuệ.
– Diệm tuệ địa: Định hay phát tuệ, lấy lửa trí tuệ của ba mươi bảy phẩm trợ đạo đốt sạch củi phiền não.
– Nan thắng địa: Hai trí chân và tục hành tướng khác nhau, khéo điều hòa tương ưng nhau.
– Hiện tiền địa: Chánh trí Bát-nhã rõ suốt mười hai nhân duyên, nhổ gốc vô minh, vào ba môn giải thoát, chân lý pháp không đã rõ ràng hiện ở trước.
– Viễn hành địa: Thường trụ trong chánh định mà không ngại khởi dụng, vượt ngoài cái có và không, những địa dưới không lường được. Sáu địa trước có thể người, trời, Nhị thừa cùng tu, chỉ riêng địa này vượt ngoài, không chung. Cho nên gọi là viễn hành.
– Bất động địa: Chứng vô sanh nhẫn (phần), không còn dụng công hành động, nhờ Phật bảy phen khuyến dụ, nhân đó khởi tác dụng nhập thân tướng và mười tự tại, vốn hồn nhiên phát hiện không cần dụng ý.
– Thiện tuệ địa: Trước chứng pháp thể, ở đây khởi dụng, chuyên học pháp vương, ở yên lặng lẽ đủ bốn mươi vô ngại biện của tướng chúng sanh, làm đại pháp sư có cầu liền ứng.
– Pháp vân địa: Mây trí đại pháp khéo dẹp trần hoặc, mưa pháp của chư Phật hay thọ trì, lại đem mưa pháp ấy rưới khắp chúng sanh.
Phẩm Thập Địa này gồm có sáu quyển giải thích kỹ mỗi địa, cho nên đây mới toát yếu từng địa.
27) Phẩm Thập Định: Phật vẫn ở Bồ-đề Tràng trở lại điện Phổ Quang Minh nhập tam-muội tên là Sát-na tế chư Phật. Chúng Bồ-tát tụ hội, Phật bảo Bồ-tát Phổ Hiền vì chúng Bồ-tát nói Thập Tam-muội: Phổ quang minh đại tam-muội, Diệu quang đại tam-muội, Thứ đệ biến vãng chư Phật quốc độ đại tam-muội, Thanh tịnh thâm tâm hành đại tam-muội, Tri quá khứ trang nghiêm tạng đại tam-muội, Trí quang minh tạng đại tam-muội, Liễu nhất thiết thế giới Phật trang nghiêm đại tam-muội, Chúng sanh sai biệt thân đại tam-muội, Pháp giới tự tại đại tam-muội, Vô ngại luân đại tam-muội.
Nhập mười thứ tam-muội này, chứng có mà không phải có.
28) Phẩm Thập Thông: Mười thứ tuệ pháp minh, biết không mà chẳng không. Bồ-tát Phổ Hiền nói tiếp Thập thông: Thiện tri tha tâm trí thần thông, Vô ngại thiên nhãn trí thần thông, Túc trụ trí thần thông, Trí thần thông biết tột những kiếp vị lai, Trí thần thông thiên nhĩ thanh tịnh vô ngại, Trí thần thông trụ vô thể tánh, vô động tác mà qua tất cả cõi Phật, Trí thần thông khéo phân biệt tất cả ngôn từ, Trí thần thông hiện vô số sắc thân, Nhất thiết pháp trí thần thông, Nhập nhất thiết pháp diệt tận tam-muội trí thần thông.
29) Phẩm Thập Nhẫn: Định tuệ quân bình, có không đều một mạch. Bồ-tát Phổ Hiền nói tiếp Thập nhẫn Âm thanh nhẫn, Thuận nhẫn, Vô sanh pháp nhẫn, Như huyễn nhẫn, Như diệm nhẫn, Như mộng nhẫn, Như hưởng nhẫn, Như ảnh nhẫn, Như hóa nhẫn, Như không nhẫn.
30) Phẩm A-tăng–kỳ: Số quá nhiều không thể tính đếm được, để nói lên công đức quảng đại của Phật không thể tính lường.
31) Phẩm Thọ Lượng: Tột cùng thời gian không ngằn mé. Nói về thọ lượng của Phật thì tột cùng thời gian không có ngằn mé.
32) Phẩm Chư Bồ-tát Trụ Xứ: Rộng khắp mười phương không thấy chỗ nơi. Chỗ trụ Bồ-tát thì trùm khắp mười phương không có chỗ nơi.
33) Phẩm Phật Bất Tư Nghì Pháp: Sắp thành Diệu giác, trước chứng Diệu pháp. Do oai thần của Phật gia hộ, khiến Bồ-tát Liên Hoa Tạng giải thích pháp bất tư nghì của Phật.
34) Phẩm Như Lai Thập Thân Tướng Hải: Diệu pháp đã xong thành tựu diệu thân. Bồ-tát Phổ Hiền nói cả thảy chín mươi bảy tướng hải của Như Lai.
35) Phẩm Như Lai Tùy Hảo Quang Minh Công Đức: Đây là nói rõ hạnh đức của Như Lai. Phật gọi Bồ-tát Bảo Thủ làm người đối cơ, để nói tướng hảo của Như Lai.
36) Phẩm Phổ Hiền Hạnh: Công đức đã viên mãn cần phải khởi dụng độ sanh, Bồ-tát Phổ Hiền vì chư Bồ-tát nói pháp lìa chướng cái và các hạnh lợi tha của Phổ Hiền. Chướng là các chướng ngại thường gặp. Cái là ngũ cái che đậy.
37) Phẩm Như Lai Xuất Hiện: Phổ Hiền tức nơi tâm mình, vì thế nên hiện bày quả tướng. Đức Thế Tôn phóng quang nơi tướng bạch hào giữa chặng mày, tên Như Lai Xuất Hiện soi khắp mười phương. Phật lại phóng quang nơi miệng, tên Vô ngại vô úy chiếu khắp mười phương. Người đối cơ thưa hỏi là Bồ-tát Như Lai Tánh Khởi Diệu Đức, hỏi pháp xuất hiện của Phật: Thân tướng, ngôn âm, tâm ý, cảnh giới, hạnh đã làm thành đạo, chuyển pháp luân, cho đến thị hiện nhập Niết-bàn. Bồ-tát Phổ Hiền giải đáp.
38) Phẩm Ly Thế Gian: Nương giải thành tựu hạnh viên dung. Bồ-tát Phổ Huệ hỏi hai trăm câu, Bồ-tát Phổ Hiền đáp hai ngàn hạnh, tuy hành các hạnh mà vẫn không tánh phi tướng, đã vượt hẳn thế gian mà không rời thế gian.
39) Phẩm Nhập Pháp Giới: Phật chẳng rời Đạo tràng đến rừng Thệ đa (tức rừng Kỳ-đà). Ngự trong trùng các Đại Trang Nghiêm, Phật nhập tam-muội Sư tử tần thân muốn khiến đại chúng chóng chứng Phổ Môn. Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi ra khỏi lầu Thiện Trụ đi về phương nam, đến Phước Thành phía đông, ở chỗ ngôi tháp Cổ Phật nói pháp, đại chúng đa số phát tâm Bồ-đề, duy có Thiện Tài đồng tử phát tâm cầu tiến, trải qua năm mươi ba vị thiện tri thức mỗi nơi được một môn giải thoát tam-muội, rốt sau gặp Bồ-tát Phổ Hiền, nơi mỗi lỗ chân lông chóng chứng môn tâm, là môn giải thoát gồm đồng quả hải.
Đến đây lần lượt kể qua năm mươi ba vị thiện tri thức:
1) Tỳ-kheo Đức Vân trên núi Diệu Phong trong nước Thắng Lạc ở phương nam, được pháp môn Ức niệm nhất thiết chư Phật cảnh giới trí tuệ quang minh phổ kiến.
2) Tỳ-kheo Hải Vân ở nước Hải Môn phương nam, được pháp môn Phổ nhãn.
3) Tỳ-kheo Thiện Trụ ở tụ lạc Hải Ngạn bên đường Lăng-già, được pháp môn Giải thoát vô ngại.
4) Ông Di-già ở thành Tự Tại, đang thuyết pháp ở giữa chợ, được pháp môn Bồ-tát Diệu Âm đà-la-ni quang minh.
5) Trưởng giả Giải Thoát ở tụ lạc Trụ Lâm, được môn Giải thoát Như Lai vô ngại trang nghiêm.
6) Tỳ-kheo Hải Tràng ở nước Ma-lợi-già-la, đang ngồi kiết già bên chỗ đi kinh hành, được Tam-muội phổ nhãn xả đắc, hoặc Bát-nhã ba-la-mật cảnh giới thanh tịnh quang minh, hoặc Phổ trang nghiêm thanh tịnh môn.
7) Ưu-bà-di Hưu Xả ở viên lâm Phổ Trang Nghiêm xứ Hải Triều, được môn Giải thoát ly ưu an ổn tràng.
8) Tiên Tỳ-mục-cù-sa, ở nước Ka-la-tố, được môn Giải thoát Bồ-tát Vô Thắng Tràng.
9) Bà-la-môn Thắng Nhiệt ở tụ lạc Y-sa-na, được môn Giải thoát Bồ-tát Vô Tận Luận.
10) Đồng nữ Từ Hạnh ở thành Sư Tử Phấn Tấn, được môn Bát-nhã ba-la-mật phổ trang nghiêm.
11) Tỳ-kheo Thiện Kiến ở nước Tam Nhãn, Tỳ-kheo này tuổi trẻ đi kinh hành trong rừng, được môn Giải thoát Bồ-tát Tùy Thuận Đăng.
12) Đồng tử Tự Tại Chủ ở trên bãi sông của nước Danh Văn, Đồng tử chuyên hốt cát chơi, được pháp môn Nhất thiết công xảo đại thần thông trí quang minh.
13) Ưu-bà-di Cụ Túc ở thành Hải Trụ được pháp môn Giải thoát Bồ-tát Vô Tận Công Đức Tạng.
14) Cư sĩ Minh Trí ở thành Đại Hưng, tại ngã tư đường chợ, ngồi trên tòa được môn Giải thoát tùy ý xuất sanh phước đức tạng.
15) Trưởng giả Pháp Bảo Kế ở thành Sư Tử Cung, được môn Giải thoát Bồ-tát Vô Lượng Phước Đức Bảo Tạng.
16) Trưởng giả Phổ Nhãn ở thành Phổ Môn, được pháp môn Linh nhất thiết kiến Phật hoan hỷ.
17) Vua Vô Yếm Túc ở thành Đa-la Tràng, được môn Như huyễn giải thoát.
18) Vua Đại Quang ở thành Diệu Quang, được môn tam-muội Bồ-tát Đại Từ Tùy Thuận Thế Gian.
19) Ưu-bà-di Bất Động ở vương đô An Trụ, được Cầu nhất thiết pháp vô yểm túc tam-muội quang minh.
20) Ngoại đạo Biến Hành ở thành Vô Lương Đô-tát-la, được môn Chí nhất thiết xứ Bồ-tát hạnh.
21) Trưởng giả buôn hương Ưu-bát-la-hoa ở nước Quảng Đại, được Phương pháp điều hòa chư hương.
22) Người lái thuyền Bà-thi-la, ở thành Lâu Các, được môn Đại bi tràng hạnh.
23) Trưởng giả Vô Thượng Thánh ở thành Khả Lạc, được môn Chí nhất thiết xứ Bồ-tát hạnh.
24) Tỳ-kheo-ni Sư Tử Tần Thân ở quốc độ Thâu-na, được pháp môn Giải thoát thành tựu nhất thiết trí.
25) Người nữ Bà-tu-mật-đa, ở thành Bảo Trang Nghiêm trong nước Hiểm Nạn, được môn Giải thoát Bồ-tát Ly Tham Dục Tế.
26) Cư sĩ Tỳ-sắc-chi-la ở thành Thiện Độ, được môn Giải thoát bất Bát-niết-bàn tế.
27) Bồ-tát Quán Tự Tại ở núi Bổ-đát-lạc-ca, được môn Bồ-tát Đại Bi Hạnh.
28) Bồ-tát Chánh Thu từ hư không đến, ở trên đảnh núi Luân Vi tại thế giới Ta-bà về phương Đông, được môn Giải thoát Bồ-tát Phổ Tác Hành.
29) Thần Đại Thiên ở thành Đọa-la-bát-để về phương Nam, được môn giải thoát Bồ-tát Vân Võng.
30) Chủ địa thần An Trụ ở Bồ-đề Tràng tại nước Ma-kiệt-đà, được pháp môn Bất khả hoại trí tuệ tạng.
31) Chủ dạ thần Bà-san-bà-diễn-để, ở thành Ca-tỳ-la, được môn giải thoát Bồ-tát Phá Nhất Thiết Chúng Ám Pháp Quang Minh.
32) Chủ dạ thần Phổ Đức Tịnh Quang ở Bồ-đề Tràng, được môn Giải thoát Bồ-tát Tịch Tịnh Thiền Định Lạc Phổ Du Bộ.
33) Dạ thần Hỷ Mục Quán Sát Chúng Sanh ở phía hữu Bồ-đề Tràng, được môn Giải thoát đại thế lực phổ hỷ tràng.
34) Dạ thần Phổ Cứu Chúng Sanh Diệu Đức cũng ở trong Bồ-đề Tràng, được môn Giải thoát Bồ-tát Phổ Hiện Nhất Thiết Thế Gian Điều Phục Chúng Sanh.
35) Chủ dạ thần Tịch Tịnh Âm Hải, cũng ở Bồ-đề Tràng này, được môn Giải thoát Bồ-tát Niệm Niệm Sanh Quảng Đại Trí Trang Nghiêm.
36) Chủ dạ thần Thủ Hộ Nhất Thiết Thành Tăng Trưởng Oai Lực ở Bồ-đề Tràng, được môn Giải thoát thậm thâm tự tại diệu âm.
37) Chủ dạ thần Khai Phu Nhất Thiết Thọ Hoa cũng ở Bồ-đề Tràng, được môn Giải thoát Bồ-tát Xuất Sanh Quảng Đại Hỷ Quang Minh.
38) Dạ thần Đại Nguyện Tinh Tấn Lực Cứu Hộ Nhất Thiết Chúng Sanh cũng ở Bồ-đề Tràng, được môn Giải thoát giáo hóa chúng sanh linh sanh thiện căn.
39) Thần Diệu Đức Viên Mãn ở vườn Lâm-tỳ-ni, được môn Giải thoát Bồ-tát Vô Lượng Kiếp Trung Biến Nhất Thiết Xứ Thị Hiện Thọ Sanh Tự Tại,
40) Con gái họ Thích Cù-bà (vợ của thái tử Tất-đạt-đa) ở thành Ca-tỳ-la, được môn Giải thoát quán sát Bồ-tát Tam-muội Hải.
41) Phu nhân Ma-da hiện ở trong hư không, được môn Giải thoát Bồ-tát Đại Nguyện Trí Huyễn.
42) Thiên nữ Thiên Chủ Quang con vua Chánh Niệm ở cõi trời Đao-lợi, được môn Giải thoát vô ngại niệm thanh tịnh trang nghiêm.
43) Đồng tử Sư Biến Hữu ở thành Ca-ty-la, được môn Giải thoát thiện tri chúng nghệ.
44) Ưu-bà-di Hiền Thắng ở thành Bà-đát-na trong nước Ma-kiệt-đà, được môn Giải thoát vô y xứ đạo tràng.
45) Trưởng giả Kiên Cố Giải Thoát ở thành Ốc Điền, được môn Giải thoát vô trước niệm thanh tịnh trang nghiêm.
46) Trưởng giả Diệu Nguyệt ở trong Ốc Điền, được môn Giải thoát tinh trí quang minh.
47) Trưởng giả Vô Thắng Quân ở thành Xuất Sanh, được môn Giải thoát vô tận tướng.
48) Bà-la-môn Tối Tịch Tịnh ở tụ lạc Chi Vi Pháp, được môn Giải thoát thành nguyện ngữ.
49-50) Đồng tử Đức Sanh và Đồng nữ Hữu Đức ở thành Diệu Ý Hoa Môn, được môn Giải thoát huyễn trụ.
51) Bồ-tát Di-lặc ở lầu các Tỳ-lô-giá-na Trang Nghiêm Tạng, trong khu vườn Đại Trang Nghiêm tại nước Hải Ngạn, được môn Giải thoát tạng trí trang nghiêm nhập nhất thiết cảnh giới tam thế bất vong.
52) Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi từ xa đưa tay phải che cả một trăm mười do-tuần, để trên đầu Thiện Tài vào đạo tràng Phổ Hiền Hạnh.
53) Bồ-tát Phổ Hiền ở trong chúng hội Như Lai, ngồi tòa Sư tử bảo liên hoa, chứng được Hạnh nguyện hải của Phổ Hiền.
40) Phẩm Nhập Bất Tư Nghì Giải Thoát Cảnh Giới Phổ Hiền Hạnh Nguyện: Nói về Thập nguyện của Phổ Hiền.
Kinh này có tên là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh.
Đại là lớn. Phương là nơi chốn. Quảng là rộng. Tức nói kinh này rộng lớn không có nơi chốn trùm hết mọi nơi, chỉ cho phép tánh hay pháp thân. Phật là chỉ cho Phật pháp thân, chứ không phải như thông thường hay nói.
Hoa Nghiêm là chỉ cho hạnh, như lấy hoa để trang nghiêm, nhằm chỉ cho công hạnh tu hành. Pháp rộng lớn trùm khắp của Phật, nhờ công hạnh tu hành trang nghiêm để đạt đến chỗ viên mãn, nên gọi là Hoa Nghiêm. Cho nên muốn đạt được pháp Đại Phương Quảng Phật là phải do công hạnh tu hành mới có thể chứng đến viên mãn. Từ khi hiểu được cảnh đức của Phật đã chứng liền áp dụng các công hạnh tu hành, từ Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa lên Đẳng giác, Diệu giác thì việc tu viên mãn.
Yếu chỉ bộ kinh Hoa Nghiêm là Nhất tâm chân như, pháp giới duyên khởi. Nghĩa là vạn pháp đều từ chân tâm bản giác sanh ra. Pháp giới có chia làm bốn:
1) Sự pháp giới: Muôn sự, muôn vật sai biệt nhau.
2) Lý pháp giới: Chân lý pháp tánh bình đẳng.
3) Sự lý vô ngại pháp giới: Sự tức là lý, lý tức là sự, lý sự dung thông nhau. Lý tánh chân như là vạn pháp, chính vạn pháp là chân như.
4) Sự sự vô ngại pháp giới: Mỗi sự mỗi vật đều từ pháp tánh hiển hiện, lý pháp tánh viên dung vô ngại nên hiện ra sự vật cũng viên dung vô ngại.
Bởi vì căn cứ vào lý nói thì viên dung vô ngại, nên sự gốc từ lý mà khởi thì sự ấy cũng viên dung vô ngại.
CỰU THẬP HUYỀN DUYÊN KHỞI
1) Đồng Thời Cụ Túc Tương Ưng Môn: Mọi pháp không có giới hạn ở không gian và thời gian nên đồng thời viên dung nhau.
2) Chư Tàng Thuần Tạp Cụ Túc Môn: Các hành thuần hay tạp đều đầy đủ dung thông nhau. (Tân Thập Huyền đổi lại thành Quảng Hiệp Tự Tại Vô Ngại Môn).
3) Nhất Đa Tương Dung Bất Đồng Môn: Một bao hàm tất cả, tất cả thu nhiếp về một, song một vẫn là một, tất cả vẫn là tất cả.
4) Chư Pháp Tương Tức Tự Tại Môn: Bản thể chư pháp tự do, tự tại hòa hợp nhau, tương tức lẫn nhau.
5) Bí Mật Ẩn Hiển Câu Thành Môn: Ẩn hiển trong ngoài cùng đồng một thể.
6) Vị Tế Tương Dung An Lập Môn: Vật nhỏ bao dung vật lớn, số ít bao hàm số nhiều mà không phá hoại nhau.
7) Nhân-đà-la Võng Cảnh Giới Môn: Như lưới báu của trời Đế-thích, những mắt lưới ánh sáng soi rọi nhau trùng trùng dung thông không chướng ngại nhau.
8) Thác Sự Hiển Pháp Sanh Giải Môn: Gá nơi sự đã hiển hiện sanh liễu giải.
9) Thập Thế Cách Pháp Dị Thành Môn: Ba thời mỗi thời lại có ba thành chín thời, chín thời về một thành mười thời đều dung thông nhau.
10) Duy Tâm Hồi Chuyển Thiện Thành Môn: Duy nhất tâm hiện thành muôn pháp. (Tân Thập Huyền đổi lại thành Chủ Bạn Viên Minh Cụ Đức Môn).
Chủ điểm kinh này là từ Căn bản trí khởi Diệu tuệ (Bồ-tát Văn-thù), vẫn không rời pháp thân bất động (Phật Tỳ-lô-giá-na), viên mãn Sai biệt trí lợi ích quần sanh (Bồ-tát Phổ Hiền).
Nếu chúng ta đọc kinh Hoa Nghiêm với tánh cách thông thường thì thấy giống như chuyện Phong Thần hay Tây Du, nói chuyện trên trời dưới đất, không có gì là sự thật. Như ở đây tả cây bồ-đề của Phật ngồi, cây bằng vàng và ngọc, lá làm bằng các thứ báu lưu ly, Đức Phật lấy cỏ trải làm nệm ngồi kiết già, ở đây nói là ngồi trên tòa Kim Cang Sư Tử. Nói như vậy làm cho người ta rất khó hiểu, nên lâu nay ít vị nào chịu giảng kinh Hoa Nghiêm.
Kinh Hoa Nghiêm mỗi việc hiện ra là một bài học, một ý nghĩa. Tôi lược sơ qua những điểm thâm sâu trong kinh này.
Phật nói pháp chứng ngộ đầu tiên là ở Bồ-đề Tràng, thuyết pháp ở dưới Long cung, lên các cõi trời Đao-lợi, Dạ-ma, Đâu-suất, Tha Hóa Tự Tại v.v… mà vẫn không rời Bồ-đề Tràng.
Bồ-đề Tràng là chỗ Phật giác ngộ, mà giác ngộ chính là chủ trương của kinh Hoa Nghiêm. Một khi thấy tánh tức là sơ phát tâm, đó là nhân. Nhân thấy tánh là nhận ra căn bản, hay nói cách khác là thấy được gốc nguồn của chư Phật giác ngộ. Từ sơ phát tâm thấy được Phật tánh, đến tu viên mãn thành Phật cũng không rời Phật tánh đó, nên hiện tuy có ngang dọc mà vẫn không rời chỗ cũ. Vì vậy Phật nói pháp từ hội này tiến lên hội kia mà vẫn không rời Bồ-đề Tràng. Đó là nói lên nhân trùm nơi quả, hay quả chẳng rời nhân.
Như vậy Bồ-đề Tràng là để chỉ người mới ngộ được Phật tánh, nhưng ngộ rồi chưa phải là xong việc, mà còn phải tiến tu dẹp trừ phiền não. Trải qua Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa, Đẳng giác, Diệu giác công hạnh mới tròn đủ.
Bồ-tát Văn-thù đi tới nghe Phật nói pháp, thấy mười phương chư Phật, các cõi nước như số vị trần, mà ở đây tả là thế giới hải, vi trần hải… Nghĩa là thế giới nhiều như biển hoặc nhiều như cát bụi. Trong các kinh điển khác, đức Phật thường đưa thí dụ nhiều như cát sông Hằng, nhưng ở đây thì nói nhiều như bụi của Tam thiên Đại thiên thế giới, hoặc như biển chứ không nói sông Hằng nữa. Hoặc nơi nghiền Tam thiên Đại thiên thế giới thành từng hạt bụi nhỏ thì chứng được thế giới của Phật, mỗi hạt bụi là một thế giới, thật không thể tưởng tượng nổi.
Trở lại ba vị quan trọng trong kinh Hoa Nghiêm. Bồ-tát Văn-thù là tượng trưng cho Căn bản trí. Người tu muốn đạt đạo, hiểu được đạo, phát tâm tu hành đều gốc từ Căn bản trí khởi ra diệu tuệ, nên đầu tiên nếu ngài Văn-thù là vị đương cơ. Đức Phật Tỳ-lô-giá-na chỉ cho pháp thân bất động, mà pháp thân không rời Căn bản trí. Nên ngài Văn-thù hỏi đạo nơi đạo tràng của Phật Tỳ-lô-giá-na, nhưng trong đây quan trọng nhất là ngài Phổ Hiền.
Ngài Phổ Hiền tượng trưng cho Sai biệt trí, từ Căn bản trí dấy lên diệu tuệ để tu hành. Sau khi nhập được pháp thân, mới khởi Sai biệt trí tùy theo căn cơ chúng sanh mà giáo hóa, tạo muôn ngàn công đức. Cho nên thành tựu muôn ngàn công đức là do Sai biệt trí. Đó là hạnh nguyện của Phổ Hiền.
Tóm lại từ Căn bản trí dấy lên diệu tuệ, hướng về pháp thân bất động mà tu. Được thâm nhập rồi, nếu dừng ngang đó thì chưa trọn vẹn. Cho nên phải khởi Sai biệt trí để giáo hóa, lợi ích tất cả chúng sanh, công hạnh viên mãn mới thành Phật. Vì vậy Thiện Tài đồng tử đi hỏi đạo trải qua năm mươi ba vị thiện tri thức, cuối cùng gặp ngài Phổ Hiền, thấy trong mỗi lỗ chân lông xuất trăm ngàn ức tam-muội, đầy đủ muôn ngàn công hạnh giáo hóa chúng sanh, rồi thành Phật ngay trong đời này.
Trong ba mươi tám phẩm trước, đức Phật giải thích đầy đủ lý sự tu hành từ phàm đến thánh. Đến phẩm ba mươi chín Nhập Pháp Giới, đức Phật cụ thể hóa bằng hình ảnh Thiện Tài đồng tử hỏi đạo năm mươi ba vị thiện tri thức, đầy đủ pháp môn giải thoát, lúc đó mới chứng Phật quả. Trước giải thích lý thuyết, sau chỉ thẳng thực hành, thực hành rồi chứng đạo quả ngay đời này, không đâu xa. Ngài Văn-thù, đức Phật Tỳ-lô-giá-na và ngài Phổ Hiền là ba nhân vật lúc nào cũng có mặt. Mỗi phẩm đều có một vị Bồ-tát nói theo chỗ tu tập của các ngài, cho nên chúng ta đọc đến đâu thì hiểu ngay ý nghĩa tên vị Bồ-tát đó.
Kinh Hoa Nghiêm có 40 phẩm, chúng ta chỉ học chín phẩm là phẩm 3, 10, 11, 12, 17, 37, 38, 39, 40. Riêng phẩm 39 có tất cả năm mươi ba vị thiện tri thức, chúng ta chỉ học một số vị tiêu biểu.