Kinh Hoa Nghiêm Trích Giảng

Phẩm Phổ Hiền Tam Muội



Lúc bấy giờ Phổ Hiền Bồ-tát ma-ha-tát ngồi trên tòa Liên hoa tạng sư tử ở trước Phật, thừa thần lực của Phật mà nhập tam-muội tên là Nhất Thiết Chư Phật Tỳ-lô-giá-na Như Lai Tạng Thân, vào khắp tánh bình đẳng của tất cả Phật, có thể ở nơi pháp giới thị hiện những ảnh tượng rộng lớn vô ngại đồng hư không, pháp giới xoay vần đều theo vào, xuất sanh tất cả tam muội, có thể bao nạp khắp mười phương pháp giới, trí quang minh của tam thế chư Phật đều từ dây mà sanh, những sự an lập trong mười phương đều có thể thị hiện, trùm chứa tất cả lực giải thoát của Phật và trí của chư Bồ-tát, có thể khiến tất cả quốc độ vị trần, đều có thể dung thọ vô biên pháp giới, thành tựu biển công đức của tất cả Phật, hiển thị biển đại nguyện của Như Lai, bao pháp luân của tất cả chư Phật đều lưu thông hộ trì không đoạn tuyệt. 

Đoạn này diễn tả ngài Phổ Hiền nhập vào chánh định Nhất thiết chư Phật Tỳ-lô-giá-na Như Lai tạng thân, tức nhập chánh định của tất cả chư Phật, là pháp thân của tất cả chư Phật, là thân Như Lai tạng. pháp thân của chư Phật trùm khắp, nên ở đây nói vào khắp tánh bình đẳng của tất cả Phật, có thể ở nơi pháp giới thị hiện những ảnh tượng rộng lớn vô ngại đồng hư không…

Thông thường nhập chánh định hoặc là Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền hoặc là định Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ… chứ không ai nhập định pháp thân của tất cả chư Phật hay Như Lai tạng. Ở đây ngài Phổ Hiền nhập định đó nên có đầy đủ tất cả những gì chư Phật có, nào là lực giải thoát của Phật, nào là trí tuệ của Bồ-tát… hiển thị biển đại nguyện của Như Lai, Bao nhiêu pháp luân của Phật đều lưu thông hộ trì không đoạn tuyệt. Như vậy nguyện của Phật, pháp của Phật đều được hiển bày.

Như trong thế giới này, Phổ Hiền Bồ tát ở trước Phật nhập tam muội đây, cũng vậy, khắp pháp giới hư không giới, thập phương tam thế vị tế vô ngại quang minh rộng lớn, chỗ Phật nhãn thấy được, Phật lực đến được, Phật thân hiện được tất cả quốc độ. Trong quốc độ này có bao vi trần, trong mỗi vị trần có thế giới hải vị trần số Phật độ, trong mỗi độ có thế giới hải vị trần số Phật, trước mỗi đức Phật có thế giới hải vị trần Phổ Hiền Bồ-tát cũng đều nhập tam-muội Nhất thiết chư Phật Tỳ-lô-giá-na Như Lai tạng thân này. 

Trong thế giới này, Bồ-tát Phổ Hiền nhập Tỳ-lô-giá-na tam-muội ở trước đức Phật Tỳ-lô-giá-na, ở quốc độ nào cũng thấy như thế, chỗ nào cũng thấy đức Phật hiện ở trong đó hết. Như vậy một là tất cả, tất cả là một, dung nhiếp vô ngại, viên dung vô ngại. Đó là ý nghĩa lý sự vô ngại Pháp giới hay trong Thập huyền môn gọi là Đồng thời cụ túc tương ưng môn, nghĩa là khi nhập chỗ này thì mọi nơi đều thấy như vậy, đồng thời không khác. Cũng gồm luôn những huyền môn khác như Nhất đa tương dung bất đồng môn… Trong mỗi vì trần có thế giới hải vị trần số Phật độ, tức là trong một hạt bụi có thế giới của Phật nhiều như số hạt bụi. Như vậy đứng về lý tánh, tất cả vật lớn nhỏ không ngăn ngại nhau. Cho nên trong một hạt bụi cũng có thể thâu nhiếp tất cả cõi Phật, tất cả cõi Phật cũng có thể nằm trong hạt bụi.

Lúc đó, trước mỗi Phổ Hiền Bồ-tát đều có thập phương tất cả chánh pháp hiện ra. Chư Phật này đồng khen rằng: Lành thay, lành thay! Này Thiện nam tử! Ông có thể nhập tam-muội Nhất thiết chư Phật Tỳ-lô-giá-na Như Lai tạng thân này. 

Nhập chánh định là nhân, thấy Phật hiện là quả. Như vậy ngài Phổ Hiền nhập tam-muội là nhân, trước mỗi Bồ-tát Phổ Hiền đều có thập phương chánh pháp hiện ra là quả. Cho nên nhập chánh định thấy chư Phật khen ngợi là nhân và quả đồng thời. Đó là lời tán thán của chư Phật khắp mười phương.

Này Phật tử! Đây là mười phương tất cả chư Phật đồng gia hộ cho ông, do vì nguyện lực của đức Tỳ-lô-giá-na Như Lai, mà cũng do nguyện lực tu tập tất cả Phật hạnh của ông. Chính là ông có thể chuyển pháp luân của chư Phật, khai hiển biển trí tuệ của chư Phật, chiếu khắp những biển an lập ở mười phương không sót, khiến tất cả chúng sanh trừ tạp nhiễm được thanh tịnh, nhiếp khắp tất cả quốc độ không chấp trước, vào sâu cảnh giới của chư Phật không chướng ngại, hiện bày công đức của chư Phật, vào được thật tướng của các pháp, tăng lớn trí tuệ, quan sát tất cả pháp môn, rõ biết căn của tất cả chúng sanh, hay thọ trì tất cả giáo văn của Như Lai. 

Ngài Phổ Hiền nhập tam-muội tức là thể nhập được pháp thân là do nguyện lực của đức Tỳ-lô-giá-na Như Lai, mà cũng do nguyện lực tu tập tất cả Phật hạnh. Khi nhập được định này thì ngài đầy đủ tất cả phương tiện, làm lợi ích cho chúng sanh ở mười phương nhiều không thể tính kể. Ngài giáo hóa họ bỏ những xấu xa ô nhiễm trở thành thanh tịnh, tất cả cõi nước đều nhiếp nhập vào nhau không trở ngại. Bởi được thật tướng của các pháp, tăng trưởng trí tuệ, nên mới quán sát tất cả pháp môn, rõ biết căn của tất cả chúng sanh, hay thọ trì tất cả giáo văn của Như Lai. Tức là căn cơ chúng sanh thế nào ngài đều biết và giáo hóa, khiến cho giáo lý của Phật không bị quên, bị ẩn mất.

Lúc đó thập phương tất cả chư Phật liền ban cho Phổ Hiền Bồ-tát trí lực vào được nhất thiết trí tánh, ban cho trí vào pháp giới vô lượng vô biên, ban cho trí thành tựu cảnh giới chư Phật, ban cho trí biết tất cả thế giới thành hoại, ban cho trí biết chúng sanh giới rộng lớn, ban cho trí trụ những tam-muội giải thoát thậm thâm vô sai biệt của chư Phật, ban cho trí nhập căn tánh của tất cả Bồ-tát, ban cho trí biết ngôn ngữ của tất cả chúng sanh và từ biện chuyển pháp luân, ban cho trí vào khắp thân pháp giới, ban cho trí được âm thanh của tất cả chư Phật. 

Đoạn này nói về trí lực. Khi nhập được định này rồi thì trí lực của Phổ Hiền được chư Phật ban cho, nghĩa là bao nhiêu thứ Phật có ngài đều có, vì ngài đồng với Phật. Ở đây nói về trí phương tiện, trí phương tiện đầy đủ cho nên công hạnh của ngài sau này mới đầy đủ. Như vậy từ trước đến đây, chúng ta thấy bản thân ngài nhập thiền định hay tam-muội, chánh định pháp thân, rồi đến thân biến hóa của ngài cũng đều nhập như vậy. Kế đó là nguyện lực của ngài, nguyện lực chư Phật, đến đây là trí lực mà chư Phật ban cho, ngài cũng đều được đầy đủ.

Như trong thế giới này Phổ Hiền Bồ tát ở trước Như Lai được chư Phật ban cho những trí như vậy, tất cả Phổ Hiền Bồ-tát ở trong tất cả vị trần thế giới cũng được như vậy. Tại sao thế? Vì chứng tam-muội đó thời được như vậy. 

Không riêng ngài Phổ Hiền ở trước Phật được trí tuệ như vậy, mà mười phương vi trần số các vị Phổ Hiền ở trước chư Phật nhiều như số vi trần cũng đều được trí tuệ như vậy. Vì tất cả thế giới, tất cả Phổ Hiền ở mọi thế giới không rời ngài Phổ Hiền ở trong thế giới này. Kinh Hoa Nghiêm gọi lý này là trùng trùng duyên khởi, cõi này và cõi khác, thân này và thân khác đều liên hệ nhau.

Lúc đó thập phương chư Phật đều đưa tay hữu xoa đảnh của Phổ Hiền Bồ-tát. Tay Phật đủ tướng hảo trang nghiêm phóng lưới quang minh thơm sáng, đồng thời phát ra tiếng vi diệu và những sự thần thông tự tại. Tất cả Phổ Hiền nguyện hải của tất cả Bồ-tát quá khứ, hiện tại, vị lai, những pháp luân thanh tịnh và ảnh tượng của tam thế chư Phật cũng đều hiện cả trong quang minh ấy. Tất cả Phổ Hiền Bồ-tát trong tất cả thế giới vị trần cũng đều được xoa đảnh như vậy. 

Giai đoạn trên thì được nguyện lực, trí lực, bây giờ được chư Phật xoa đánh an ủi. Mười phương chư Phật ở khắp nơi chỗ nào cũng có Phổ Hiền và chỗ nào ngài cũng được xoa đảnh như nhau. Khi thể nhập được chánh định pháp thân rồi thì tất cả các công hạnh của chư Phật đều đầy đủ, nên Phật xoa đảnh tức là an ủi, thọ ký cho ngài. Như vậy là trong nhân đã thành được quả, nhân trùm biển quả, quả suốt nguồn nhân.

Bấy giờ, Phổ Hiền Bồ-tát liền từ tam-muội ấy mà xuất, đồng thời cũng từ vi trần số tam muội mà xuất: Từ môn tam-muội trí biết tam thế niệm niệm vô sai biệt mà xuất, từ môn tam-muội biết số vi trần trong tam thế tất cả pháp giới mà xuất, từ môn tam-muội hiện tam thế tất cả Phật độ mà xuất, từ môn tam-muội hiện xá trạch của tất cả chúng sanh mà xuất, từ môn tam muội biết tâm hải của tất cả chúng sanh mà xuất, từ môn tam muội biết danh tự sai khác của tất cả chúng sanh mà xuất, từ môn tam-muội biết thập phương pháp giới chỗ nơi đều sai khác mà xuất, từ môn tam-muội biết trong tất cả vi trần đều có vô biên Phật thân rộng lớn mà xuất, từ môn tam muội diễn nói lý thú của tất cả pháp mà xuất. 

Khi thể nhập được chánh định của pháp thân rồi thì triệu triệu ức ức tam-muội khác đều được hết, nên nói rằng ngài có vị trần số tam-muội. Khi xuất tam-muội thể tánh chân tâm tức là đồng thời cũng xuất vi trần số tam-muội. Vì gốc đã được thì bao nhiêu ngọn nhánh cành lá cũng theo đó mà được. Luận Đại Thừa Khởi Tín gọi là chân như tam-muội, nếu như chúng ta vào được tam-muội đó thì bao nhiêu tam-muội khác đều có đủ. Tu theo Đại thừa, nhập được chân như tam-muội hay nhập pháp thân… thì không giữ mỗi tướng của từng giai đoạn, mà đi thẳng vào trong pháp thân, bặt dứt được thọ tưởng, đi đứng nằm ngồi mọi hoạt động đều sống trong Phật tánh. Đó là thể của triệu ức tam-muội.

Tư tưởng kinh Hoa Nghiêm đúng là tư tưởng của Thiền tông, đi thẳng vào cảnh giới của Như Lai, vừa viên dung vừa hành bố, là hai môn của tông Hoa Nghiêm. Hai môn ấy là:

1) Sơ hậu tương tức: Người vừa phát tâm liền thành Chánh giác, gọi là viên dung môn.

2) Sơ hậu thứ đệ: Nói về năm mươi hai giai vị Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa, Đẳng giác và Diệu giác. Phàm phu có thể theo thứ tự này mà tu để tiến dần đến quả vị Phật thì gọi là Hành bố môn.

Kinh Hoa Nghiêm huyền bí khó hiểu là vì diễn tả cảnh giới bất tư nghì của Phật. Phật đây là Phật pháp thân và công hạnh viên mãn của báo thân, chứ không phải Phật hóa thân.

Lúc Phổ Hiền Bồ-tát từ những môn tam-muội như vậy mà xuất, chư Bồ-tát đều được thế giới vi trần số tam-muội, được thế giới vi trần số đà-la-ni, được thế giới vi trần số pháp phương tiện, được thế giới vị trần số môn biện tài, được thế giới vi trần số môn tu hành, được thế giới vi trần số trí quang minh công đức của chư Phật khắp chiếu pháp giới, được thế giới vi trần số phương tiện lực trí tuệ vô sai biệt của chư Phật, được thế giới vi trần số hải vân trong mỗi chân lông của tất cả chư Phật đều hiện các quốc độ, được thế giới vi trần số hải vân mỗi Bồ-tát thị hiện từ Đâu-xuất thiên cung giáng sanh thành Phật, chuyển pháp luân nhập Niết-bàn. 

Vi trần số tam-muội tức là thế giới nhiều như bụi nhỏ, mỗi hạt bụi là một tam-muội, để biết rằng một là tất cả. Phổ Hiền nhập tam-muội thì chư Bồ-tát cũng nhập được tam-muội. Chư Bồ-tát được tam-muội cũng như Phổ Hiền được tam-muội.

Một lỗ chân lông của Phật hiện ra cõi nước, nghĩa là tánh bụi nằm trong một khung nhỏ thì tánh đó là hư không. Hư không của một lỗ chân lông với hư không của bầu trời này không khác nhau, cho nên hư không của bầu trời chứa vô lượng thế giới thì hư không của lỗ chân lông cũng chứa vô lượng thế giới. Chỗ không khác này gọi là lý, còn vô lượng thế giới, mỗi thế giới sai biệt gọi là sự. Để Khi nhập được tam-muội đó rồi mới thấy diệu dụng vô lượng vô biên của chư Phật, mỗi lỗ chân lông chứa cả một quốc độ, rồi lại thấy được bao nhiêu chư Bồ-tát từ cõi trời Đâu-suất giáng thần thọ thân chuyển pháp luân, nhập Niết-bàn… đều hiện đầy đủ trong đó. Đức Phật, chư Bồ-tát tu hành thành Phật mà hiện thân trong các cõi để độ sanh thì gọi là Phật hóa thân. Những hành động của hóa thân không rời pháp thân, cho nên thể nhập được pháp thân thì bao nhiêu ứng hóa thân đều phóng hiện đầy đủ.

Lúc đó, tất cả thế giới ở mười phương, do thần lực của Phật và do sức tam-muội của Phổ Hiền Bồ-tát, nên các báu trang nghiêm đều lay động nhẹ, đồng thời vang ra diệu âm diễn nói các pháp. Lại nơi trong chúng hội đạo tràng của tất cả Như Lai khắp rưới mười thứ mây đại ma-ni vương: mây ma-ni vương kim tràng vi diệu, mây ma-ni vương quang minh chiếu sáng, mây ma-ni vương bảo luân rũ xuống, mây ma-ni vương bảo tạng hiện tượng Bồ-tát, mây ma-ni vương xưng dương danh hiệu Phật, mây ma-ni vương quang minh chiếu sáng tất cả Phật độ đạo tràng, mây ma-ni vương chiếu sáng mười phương tất cả biến hóa, mây ma-ni vương ca ngợi công đức của tất cả Bồ-tát, mây ma-ni vương sáng chói như mặt nhật, mây ma-ni vương tiếng nhạc thích ý vang khắp mười phương.

Ở đây nói về thần lực của Phật. Khi ngài xuất định thì tất cả thế giới mười phương đều do thần lực của Phật và sức tam-muội của Phổ Hiền hợp lại mà có những hiện tượng đẹp đẽ phi thường từ trước tới giờ chưa từng thấy. Tất cả các báu trang nghiêm đều lay động nhẹ, đồng thời vang ra diệu âm diễn nói các pháp giống như cõi Cực lạc. Tất cả sự vật đều phát ra lời nói pháp, tất cả mây là mây ma-ni vương. Ma-ni vương là như ý bảo châu, tức là hạt châu như ý, muốn gì được nấy. Lúc bấy giờ như ý bảo châu rợp như mây, vang ra tiếng nhạc thích ý khắp mười phương. Các lỗ chân lông của chư Phật đều phóng ra hào quang, trong hào quang nói kệ. Ở đây không dùng ngôn ngữ, mà tất cả sự lay động của sự vật cũng thành ngôn ngữ, và ánh sáng cũng biến thành ngôn ngữ. Chỗ này là vô tình thuyết pháp. Như vậy tất cả các tiếng động, tất cả các màu sắc đều là Phật pháp, đều là thanh tịnh.

Rưới khắp mười thứ mây ma-ni vương như vậy rồi trong các chân lông của chư Phật đều phóng quang minh. Trong quang minh nói kệ rằng: 

Phổ Hiền ở khắp các quốc độ 

Ngồi bảo liên hoa chúng đều thấy

Tất cả thần thông đều hiện ra 

Vô lượng tam-muội đều hay nhập. 

Phổ Hiền thường dùng các thứ thân

Châu lưu pháp giới đều đầy khắp

Tam-muội phương tiện sức thần thông

Viên âm rộng nói đều vô ngại. 

Chúng ta thường thấy các chùa thường an vị tôn tượng đức Phật Thích-ca ở giữa, Bồ-tát Văn-thù bên phải, Bồ-tát Phổ Hiền bên trái. Thích-ca là chỉ Phật pháp thân, Văn-thù chỉ cho chân trí, Phổ Hiền chỉ cho chân lý, lý và trí dung hợp thì thành Phật. Bồ-tát Văn-thù cưỡi sư tử chỉ cho trí dẹp tất cả tà kiến, Bồ-tát Phổ Hiền cưỡi voi là hạnh độ tất cả chúng sanh. Nhờ đạt được chân trí rồi mới thấy được chân lý, khi thấy được chân lý mới thực hiện hạnh nguyện độ sanh. Do Căn bản trí thể nhập được pháp thân Phật rồi phát sanh Sai biệt trí diệu dụng độ sanh, viên mãn Phật quả, Phổ Hiền ngồi bảo liên hoa, nơi nào chốn nào cũng có Phổ Hiền hiện, tất cả thần thông đều hiện ra, vô lượng tammuội đều hay nhập.

Như vậy Phổ Hiền không phải là một thân mà là vô lượng vô số thân, cho nên ngài có đủ phương tiện, đủ sức thần thông sử dụng viên âm, tức là lời nói tròn đủ giáo hóa chúng sanh vô ngại.

Trong tất cả cõi chư Phật ngự 

Các môn tam-muội hiện thần thông

Mỗi mỗi thần thông đều khắp cùng 

Thập phương quốc độ không chỗ sót. 

Trong tất cả cõi chỗ nào có Phật thì các môn tam-muội đều hiện thần thông, mỗi mỗi thần thông đều trùm khắp thập phương quốc độ. Thần thông ở đây là chỉ cho diệu dụng của ánh sáng giác ngộ hay thể giác trùm khắp, nên trong nhà thiền thường nói lớn như núi Tu-di, nhỏ như hạt cải.

Như tất cả cõi Như Lai ngự 

Trong sát trần kia cũng như vậy 

Chỗ hiện tam muội sự thần thông

Nguyện lực Tỳ-lô-giá-na Phật.

Tất cả cõi Phật nhiều như số vị trấn đều hiện tam-muội, đều có thần thông, đó là do nguyện lực của pháp thân Phật.

Phổ Hiền thân tướng như hư không

Nương chân tánh ở chẳng phải cõi

Tùy lòng chúng sanh chỗ thích ưa

Thị hiện thân hình đồng tất cả.

Phổ Hiền nhập pháp thân Tỳ-lô-giá-na, pháp thân không tướng mạo nên đồng với hư không, đó là sống ngay trong chân tánh, chứ không có cõi nước. Thân đồng với hư không là chánh báo, cõi của ngài là chân tánh, không phải cõi hình tướng. Chánh báo và y báo đều không có hình tướng.

Phổ Hiền an trụ các đại nguyện 

Vô lượng thần thông sức tự tại 

Tất cả Phật thân các quốc độ

Đều hiện hình kia mà đến đó. 

Bởi vì đại nguyện nên ngài Phổ Hiền được thần thông tự tại vô lượng, cõi nước Phật nào ngài cũng hiện thân.

Tất cả sát hải vô lượng biên 

Phân thân ở đó cũng vô lượng 

Cõi nước hiện ra đều trang nghiêm

Trong một sát-na thấy nhiều kiếp. 

Như vậy Phổ Hiền không chỉ có một thân, mà thân ngài vô lượng ở cõi nước rộng như biển, cõi nước nào cũng đều trang nghiêm tốt đẹp. Chỉ trong một sát-na liền biết nhiều kiếp, tức là thời gian và không gian không còn giới hạn.

Phổ Hiền an trụ tất cả cõi 

Hiện đại thần thông hơn tất cả 

Chấn động mười phương đều khắp cùng

Khiến chúng quan sát đều được thấy. 

Ngài hiện thần thông tất cả nơi, hiện ở đâu thì ở đó đều chấn động, ai muốn thấy đều được thấy.

Tất cả công đức Phật trí lực 

Các môn đại pháp đều thành đủ 

Dùng các tam-muội phương tiện môn

Bày hạnh Bồ-đề mình đã tập. 

Ngài Phổ Hiền nhập tất cả tam-muội, dùng tất cả thần thông làm lợi ích chúng sanh, muốn ai cũng được hạnh của ngài.

Tự tại như vậy bất tư nghì 

Thập phương quốc độ đều thị hiện ở tron 

Vì bày tam-muội đã khắp vào 

Trong mây Phật quang khen công đức. 

Trong ánh sáng của Phật như mây, khen ngợi công đức của Phổ Hiền, cho thấy tất cả chư Phật, chư Bồ-tát khi thể nhập được pháp thân thì tất cả pháp đều là Phật pháp.

Lúc đó, tất cả chúng Bồ-tát đều hướng về phía Phổ Hiền chắp tay chiêm ngưỡng, thừa thần lực của Phật đồng nói kệ rằng: 

Từ các Phật pháp mà sanh ra

Cũng do Như Lai nguyện lực khởi

Chân như bình đẳng tạng hư không 

Pháp thân của ngài đã nghiêm tịnh. 

Chư Bồ-tát khen ngợi pháp thân của ngài nghiêm tịnh bình đẳng. Pháp thân nghiêm tịnh bình đẳng đó từ Phật pháp mà sanh, do nguyện lực của Như Lai mà hiện ra.

Tất cả Phật độ trong chúng hội 

Phổ Hiền ở khắp nơi trong đó

Quang minh công đức bậc trí hải

Chiếu khắp mười phương đều được thấy. 

Như vậy không phải một Phổ Hiền, mà rất nhiều thân Phổ Hiền ở khắp nơi, có công đức, có trí lực rộng như biển mà các nơi đều được thấy.

Phổ Hiền công đức biển rộng lớn

Qua khắp mười phương gần gũi Phật

Tất cả vị trần có các cõi 

Đều đến được kia mà hiện rõ. 

Đây nói về công đức rộng lớn của ngài Phổ Hiền, nơi nào có Phật là nơi đó có ngài, nhiều không thể kể.

Phật tử chúng tôi thường thấy ngài

Gần gũi tất cả chư Như Lai 

Trụ trong tam-muội cảnh chân thật 

Số kiếp vi trần tất cả cõi. 

Thân của ngài Phổ Hiền gần gũi chư Phật, ở trong tam-muội chân thật, số kiếp nhiều như vị trần trong tất cả cõi.

Phật tử hay dùng thân phổ biến

Đều đến thập phương các cõi nước 

Biển cả chúng sanh đều tế độ 

Pháp giới vi trần đều vào cả. 

Khi vào được pháp thân rồi thì đi khắp các pháp giới như vi trần để tế độ chúng sanh.

Vào nơi pháp giới tất cả trần

Thân đó vô tận không sai khác

Ví như hư không đều khắp cùng 

Diễn nói Như Lai pháp rộng lớn. 

Khi thể nhập được pháp thân thì tùy đó diễn nói Phật pháp để mọi người nghe hiểu thâm nhập.

Bậc tất cả công đức sáng chói

Rộng lớn như mây sức thù thắng 

Trong biển chúng sanh đều qua đến

Nói công hạnh Phật pháp vô đẳng. 

Công đức của ngài sáng chói. Sức thù thắng rộng lớn này khiến tất cả chúng sanh nhiều như số biển cả, đều thấy đều nghe ngài nói công hạnh của Phật không có gì bằng.

Vì độ chúng sanh nơi kiếp hải 

Thắng hạnh Phổ Hiền đều tu tập 

Diễn nói các pháp như mây to 

Thanh âm quảng đại đều nghe khắp. 

Hạnh Phổ Hiền là hạnh thù thắng, tu tập không biết bao nhiêu kiếp bao nhiêu đời, độ chúng sanh nhiều như số kiếp hải. Ngài nói pháp như mây, tiếng của ngài vang khắp ở đâu cũng được nghe.

Quốc độ thế nào mà xuất hiện

Chư Phật thế nào mà xuất hiện

Nhẫn đến tất cả biển chúng sanh 

Mong theo nghĩa đó nói như thật.

Các Bồ-tát yêu cầu ngài Phổ Hiền nói về cõi nước của chư Phật như thế nào, tất cả chúng sanh xuất hiện như thế nào?

Trong đây vô lượng vô biên chúng 

Ở trước đức Phật đều cung kính 

Vì chuyển thanh tịnh diệu pháp luân

Tất cả chư Phật đều tùy hỷ. 

Vô lượng vô biên chúng ở trước đức Phật cung kính ngài vì chuyển pháp luận pháp thanh tịnh của Phật, cho nên ai nấy đều tùy hỷ.

Phẩm này là phẩm hơi khó, không có đối đáp qua lại, mà chỉ hiện hình tướng thôi, nhưng chúng ta phải học phẩm này để hiểu tinh thần của bộ kinh Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm thuộc Đại thừa Hữu tông. Kinh Bát-nhã thuộc Đại thừa Không tông, nói tất cả pháp không có tự tánh, cả Niết-bàn cũng không có tự tánh, chẳng qua chỉ là ngôn ngữ đối đãi thôi, đối đãi sanh tử là tên Niết-bàn. Chúng sanh mê lầm nghĩ rằng mình tu dứt hết phiền não nghiệp chướng là hết sanh tử. Nói như thế thì người ta hoang mang, vô tình đưa đến chỗ bế tắc. Cho nên Đại thừa Hữu tông chỉ rõ khi thể nhập được pháp thân là không còn sanh tử.

Biển pháp thân thênh thang rộng lớn, đầy đủ diệu dụng, muốn độ bao nhiêu chúng sanh hiện thân độ cũng được, muốn làm lợi ích cho bao nhiêu người làm cũng được. Đó là vô lượng vô biên bất khả tư nghì.

Vì vậy đại hạnh của ngài Phổ Hiền là nhập được tam-muội pháp thân Như Lai tạng, sau đó khởi diệu dụng làm lợi ích chúng sanh. Hiểu như thế mới thấy chỗ thâm sâu của Đại thừa, bởi vì hạnh phải theo trí theo thân, thân rộng lớn thì trí rộng lớn, mà trí rộng lớn thì cái hạnh cũng rộng lớn. Muốn được thân, hạnh, trí rộng lớn thì phải phát tâm rộng lớn. Kinh Hoa Nghiêm cốt diễn tả cho chúng ta thấy được ngộ được pháp thân, từ pháp thân mà có cõi nước, chánh báo y báo.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.