Kinh Hoa Nghiêm Trích Giảng

Phẩm Bồ Tát Vấn Minh



Lúc bấy giờ, Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát hỏi Giác Thủ Bồ-tát: “Phật tử! Tâm tánh vốn là một, sao lại thấy có các thứ sai khác? Những là: Đến đường lành nẻo dữ, căn thân có đủ có thiếu, thọ sanh đồng và khác, đẹp đẽ cùng xấu xí, nào vui nào khổ, nghiệp không biết tâm, mà tâm cũng chẳng biết nghiệp, thọ không rõ báo mà báo cũng chẳng rõ thọ, tâm chẳng biết thọ mà thọ cũng không biết tâm, nhân không biết duyên mà duyên cũng chẳng biết nhân, trí chẳng biết cảnh mà cảnh cũng chẳng biết trí. Tâm tánh vốn là một, sao lại thấy có các thứ sai khác? 

Phật nói tất cả chúng sanh đều có tánh giác hay trí tuệ Phật. Đã có tánh giác như nhau tại sao người thì sanh đường lành, người sanh đường dữ, người có thân tốt đẹp, người mang thân xấu xí, người sanh ra trong hoàn cảnh đầy đủ mọi phương tiện, người sanh ra trong hoàn cảnh thiếu thốn, người sanh ra được vui, người sanh ra bị khổ.

Nghiệp không biết tâm mà tâm cũng chẳng biết nghiệp, hiện giờ đang sống đây, không biết tâm của mình đã tạo những gì, đó là nghiệp không biết tâm. Ngày mai mình sẽ ra sao, thành thánh quả hoặc trở lại thế gian, hay hoặc dở. Đây là tâm chẳng biết nghiệp. Như vậy nghiệp và tâm hai cái không biết nhau.

Thọ không rõ báo mà báo cũng chẳng rõ thọ, khi mình chịu một cảnh khổ hay cảnh vui đó là thọ. Mà cảnh khổ vui đó mình không biết do đã làm gì mà được. Thí dụ khi ra đường mình gặp người tử tế, việc gì họ cũng giúp, tiền bạc mình eo hẹp họ cũng giúp đỡ. Đó là mình thọ ân huệ mà không biết tại sao, chỉ thấy cái đang nhận mà không biết nhân trước. Như vậy thọ không biết báo, báo cũng không biết thọ.

Tâm chẳng biết thọ mà thọ cũng không biết tâm tâm là cái biết khổ vui, thọ là cảm giác khổ vui, tại sao nói không biết? Cảm giác của mình xuất phát từ đâu và cái gì làm thành nó? Như khi nghe tiếng hát mình cảm thấy hay, cái hay đó từ đâu ra. Ăn một món gì cảm thấy ngon, nhưng không biết tại sao. Như vậy tâm và thọ, hai cái chẳng biết nhau.

Nhân không biết duyên mà duyên cũng chẳng biết nhân, như trồng cây, ươm hạt là nhân, tưới bón phân săn sóc kỹ là duyên. Nhưng nhân đó có biết duyên từ đâu lại không? Nó cũng không biết, cũng không đòi chăm sóc, chỉ hấp thu rồi lớn lên. Nhân không biết duyên và duyên cũng chẳng biết nhân, chúng liên hệ với nhau mà không biết. Như vậy nhìn cho thấu đáo thì cuộc sống là rỗng không.

Trí chẳng biết cảnh mà cảnh cũng chẳng biết trí, thường thường biết cảnh đẹp hoặc xấu, là do trí phân biệt mà biết. Nhưng thật ra mình chỉ biết phân biệt đẹp xấu, chứ không biết được tại sao nó như vậy.

Tâm tánh vốn là một, sao lại thấy có các thứ sai khác? Vốn đồng một tâm tánh, tại sao lại có bao nhiêu sự sai khác lạ lùng vậy, câu hỏi này thật là lý thú.

Giác Thủ Bồ-tát nói kệ để đáp: 

Nay ngài hỏi nghĩa này

Vì liễu ngộ quần mông 

Cứ tánh kia, tôi đáp 

Xin ngài lóng nghe cho. 

Quần mông là đám mê muội ngu si. Ngài Văn thù không phải chẳng hiểu mà hỏi, chẳng qua hỏi là vì những kẻ ngu muội như chúng ta.

Các pháp không tác dụng

Cũng không có thể tánh

Vì thế nên các pháp

Đều chẳng biết được nhau.

Các pháp không tác dụng nghĩa là sao? Như tôi ngồi trong thiền thất nhìn thấy mưa ngoài biển, bèn hỏi thị giả: – Mưa để làm gì?

Thị giả đáp: – Mưa để cho cây cối tốt, cho người ta làm ruộng.

Trả lời như vậy đúng chưa? Ngoài biển không có cây cối, không có ai làm ruộng, tại sao mưa? Các pháp có tác dụng hay không? Tại con người tham, muốn cái gì cũng vì mình, làm cho mình. Mưa để cho mình làm ruộng, cho mình trồng cây, cho mình cái này cái nọ, gió để cho mình mát v.v.., cái gì cũng vì mình nên thấy có tác dụng. Thật ra các pháp đủ duyên thì hiện, thiếu duyên thì không. Nó không có ý làm gì hết, tại mình si mê chấp ngã, bắt nó lệ thuộc vào mình, nên thành ra có tham, tham không được thì nổi sân.

Như vậy các pháp không có tác dụng cũng không có thể tánh nên đâu thể biết được nhau. Nếu nhìn cho tường tận chúng ta mới thấy cuộc đời như trò chơi, không có gì thật.

Ví như nước trong sông 

Các dòng đua nhau chảy

Chúng đều chẳng biết nhau 

Các pháp cũng như vậy. 

Như nhìn nước trong các dòng sông đua nhau chảy, mình tưởng nó thân thiết với nhau lắm, nhưng thật ra cứ hạt nước này nối hạt nước kia rồi thành dòng chảy cuồn cuộn mà nó không hề biết nhau.

Lại cũng như đống lửa 

Đồng thời phát ngọn to 

Chúng đều chẳng biết nhau 

Các pháp cũng như vậy. 

Nhiều ngọn lửa hợp thành đống lửa cháy rừng rực. Những ngọn lửa đó không biết gì nhau, chúng không tác dụng gì hết, cháy thì cứ cháy thôi.

Lại như gió lớn thổi 

Xao động các cảnh vật

Chúng đều chẳng biết nhau

Các pháp cũng như vậy. 

Như gió thổi lá cây xào xạc rồi bụi đất bay lên, tất cả những cái đó đều xao động, nhưng gió và các thứ đó có biết nhau không? Gió thì cứ gió, lá cây rụng bay đi thì cứ bay đi, cái này cái nọ bị rung chuyển mà không hề biết nhau.

Lại như các địa giới 

Xoay vần nương tựa nhau

Chúng đều chẳng biết nhau 

Các pháp cũng như vậy. 

Quả địa cầu này gồm nhiều lục địa hợp lại, nương với nhau mà thành, những lục địa đó có biết nhau không? Chúng có tác động không? Dường như có tác động mà không có tác động gì hết. Như vậy tất cả pháp như nương nhau mà không từng biết nhau.

Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân

Tâm ý sáu tình căn

Do đây thường lưu chuyển 

Nhưng vẫn không năng chuyển. 

Sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm ý hợp cùng sáu thức thường lưu chuyển, nhưng vẫn không năng chuyển tức là không có cái chủ động. Như con mắt nhìn thấy hình sắc bên ngoài rồi có thức phân biệt, như vậy nương nơi căn mà thức hiện, rồi mới duyên theo trần. Ai là chủ khiến căn và thức nương nhau. Có mắt thì cứ thấy, có tai thì cứ nghe, không biết tại sao mình phải thấy phải nghe, cái gì khiến như thế. Như vậy mỗi căn mỗi thức tựa vào mà không biết ai sắp đặt, không có chủ nên không có năng chuyển, chúng nương nhau mà chẳng hề biết nhau.

Pháp tánh vốn vô sanh

Thị hiện mà có sanh 

Trong đây không năng hiện 

Cũng không vật sở hiện. 

Pháp tánh vốn vô sanh, bởi thị hiện nên tạm thấy có sanh, thị hiện như huyễn hóa mà có, không năng sử. Năng sở đều là giả lập chứ không thật.

Nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân 

Tâm ý sáu tình căn 

Tất cả rỗng vô tánh

Vọng phân biệt mà có.

Xét kỹ sáu căn và sáu thức nương nhau, mình vọng phân biệt đây là mắt thấy nên có cái biết của mắt, đây là tai nghe nên có cái biết của tai… tự mình phân biệt thôi, không có sự sắp đặt nào hết. Bởi vậy nó là rỗng, không có tự tánh, không thật do vọng phân biệt mà có.

Cứ đúng lý quan sát 

Tất cả đều vô tánh 

Pháp nhãn bất tư nghì 

Đây là thấy chân thật. 

Nếu xem xét cho đúng lý thì tất cả pháp không tự tánh tức là không có thật thể. Thấy rõ như vậy là có con mắt pháp không thể nghĩ bàn. Đây là cái thấy chân thật, còn cái thấy của chúng ta hiện nay là hư dối.

Hoặc vọng hay chẳng vọng

Hoặc thật hoặc chẳng thật

Thế gian cùng xuất thế 

Chỉ là giả ngôn thuyết. 

Bốn câu kệ kết thúc rất rõ, hoặc thấy các pháp là hư dối hay chân thật, thấy đây là thế gian kia là xuất thế gian, tất cả đều là ngôn thuyết hư dối. Nguyên thể các pháp là một, vì vô minh nên vọng thấy nó thành nhiều thứ sai biệt.

Lúc đó, Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát hỏi Tài Thủ Bồ-tát: “Phật tử! Đức Như Lai tùy thời gian như thế nào, cũng như tùy mạng sống, tùy thân thể, tùy hành vi, tùy hiểu biết, tùy ngôn luận, tùy sở thích, tùy phương tiện, tùy tư duy, tùy quan sát của chúng sanh như thế nào, mà hiện thân Phật để giáo hóa điều phục các chúng sanh ấy? 

Tài Thủ Bồ-tát nói kệ đáp rằng: 

Đây là cảnh của bậc

Đa văn thích tịch diệt, 

Nay tôi vì ngài đáp 

Xin ngài chú ý nghe. 

Phân biệt quán nội thân 

Trong đây gì là ta? 

Nếu hiểu được như vậy 

Thời biết ta là không. 

Thử đặt câu hỏi cái gì là ta? Hiện giờ nơi thân này có bao nhiêu tế bào đang hoạt động, mỗi tế bào có chức năng riêng của nó, ai sắp đặt như vậy? Nếu có ta thì mình phải làm chủ, sắp nhóm tế bào này làm việc gì, nhóm tế bào kia làm việc gì, nhóm tế bào nào thua thắng mình đều biết, vậy mới gọi là chủ. Như vậy ta là cái gì? Khi biết không có cái gì là ta thì đạt được lý vô ngã.

Thân này là giả tạo

Chỗ trụ không nơi chỗ 

Người thật biết thân này

Trong đây không chấp trước.

Nếu thân là thật thì phải có nơi chốn cố định. Nơi cố định của thân này không phải nhà cửa xứ sở, mà chỉ cho cái gì cụ thể tạo thành thân. Ở đây gọi là chỗ trụ, chỗ trụ đó không có nơi chốn. Gần nhất là thân tứ đại, nó không tự còn mà phải mượn tứ đại bên ngoài. Như mũi cả ngày hít vào thở ra, vậy gió là mình chăng? Tứ đại không trụ chỗ nào thì thân này thật không? Vật gì nguyên vẹn từ thủy tới chung mới là thật, thân này thay đổi luôn luôn thì thật chỗ nào?

Nơi thân khéo quan sát 

Tất cả đều thấy rõ

Biết pháp đều hư vọng 

Chẳng khởi tâm phân biệt. 

Mạng sống nhân gì có 

Rồi nhân gì tan mất 

Khác nào vòng lửa xoay 

Đầu đuôi chẳng biết được. 

Tại sao mình có mặt ở đây? Không biết. Chừng nào mình chết cũng không biết. Đầu không biết, đuôi không biết, như vậy cái đó thật không?

Người trí hay quan sát

Có tướng đều vô thường

Các pháp, không, vô ngã

Lìa hẳn tất cả tướng. 

Ở trên do kinh nghiệm quán sát thấy không có gì là ta, nên nói cái tôi giả hay cái giả tôi để gọi thân này. Đó là sự thật là chân lý, tại sao mình không sống với chân lý mà sống với điên đảo vọng tưởng. Nếu thường thấy như vậy là cái thấy của bậc thánh, thánh trí là chỗ đó. Như vậy thánh trí và phàm trí gần hay xa? Rất gần, ai cũng có quyền đạt được thánh trí. Luôn luôn thấy cái ta này là không thật là vô ngã, là tướng vô thường sanh diệt, thì chết không có gì quan trọng. Như vậy đối với sanh tử mình được tự tại, gần một bên không xa xôi gì hết. Đi đứng nằm ngồi đều quán vô thường vô ngã là trì kinh không lúc nào ngưng nghỉ.

Các báo, tùy nghiệp sanh

Giả dối như giấc mơ

Luôn luôn thường diệt hoại 

Như trước, sau cũng vậy. 

Quả báo tốt xấu, khổ vui chẳng khác nào như giấc mơ, nhưng phần đông người ta cứ tưởng là thật. Nó thường hoại thường diệt có còn đâu, bao nhiêu đời về trước, bao nhiêu đời về sau tất cả đều không thật.

Những pháp thấy ở đời 

Chỉ do tâm làm chủ,

Tùy hiểu chấp lấy tướng 

Điên đảo chẳng đúng thật. 

Tất cả pháp thế gian mình cho là thế này thế kia, chẳng qua là cái chấp điên đảo, không đúng lẽ thật. Nếu thấy đúng lẽ thật thì nhẹ nhàng thanh thoát biết bao.

Những ngôn luận trong đời

Đều do phân biệt cả

Chưa từng có một pháp 

Được vào nơi pháp tánh. 

Tất cả ngôn luận trên thế gian đều do phân biệt mà ra nên chưa bao giờ đúng với pháp tánh. Chúng được giả lập để tạm hiểu với nhau, chứ không đến được chỗ thật của các pháp.

Sức năng duyên, sở duyên 

Sanh ra những pháp tướng

Chóng diệt, chẳng tạm dừng 

Niệm niệm đều như vậy. 

Năng duyên là tâm, sở duyên là cảnh, sanh ra những pháp tướng sanh diệt nhanh chóng không dừng. Mỗi niệm đều tiêu diệt, không có gì đứng yên một chỗ. Các pháp là một dòng sanh diệt biến đổi không an trú, cho nên năm mười năm cách xa huynh đệ gặp lại nhau thấy có khác. Người nào cũng bị luật vô thường chi phối, răng lay đầu bạc da nhăn… hỏi nhau sao già quá! Nó là dòng biến chuyển có gì mà ngạc nhiên, chỉ cười thôi cuộc đời là như vậy. Thắc mắc là điên đảo ngu si. Mở được con mắt trí tuệ, thấy thân và cảnh bên ngoài đúng như thật thì đâu có khổ. Nếu đi đứng nằm ngồi được như vậy thì không cần ngồi thiền. Rất tiếc là chúng ta điên đảo quá nên phải ngồi thiền.

Lúc đó, Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát hỏi Bảo Thủ Bồ-tát: “Phật tử! Tất cả chúng sanh đồng có tứ đại, không ngã, không ngã sở, tại sao lại có những sự khác biệt, như khổ vui, tốt xấu, ưa trong chuộng ngoài, thọ ít hưởng nhiều, hoặc hiện báo hoặc hậu báo nhưng trong pháp giới vẫn không tốt xấu. 

Bảo Thủ Bồ-tát nói kệ đáp rằng: 

Cứ theo nghiệp đã tạo 

Sanh quả báo như vậy 

Đều không có tác giả 

Đây là lời chư Phật. 

Chúng ta có tốt xấu, khổ vui, ưa trong chuộng ngoài, thọ ít hưởng nhiều… tất cả đều do nghiệp, tánh pháp giới thì không như thế. Phật dạy mọi quả báo đều do nghiệp, không có tác giả, không có chủ tạo nghiệp dẫn đi thọ tướng mạo hình dáng như vậy. Nếu có chủ thì khi sắp thọ sanh, phải lựa chỗ xứng đáng, sung sướng, ai dại gì lựa chỗ khổ cực, chọn tấm thân tật nguyền, Vì không có chủ, nên khi ra đời lớn lên không biết tại sao mình có mặt ở đây. Đã không có chủ thì nghiệp đẩy đi đâu chịu tới đó.

Như mặt gương sáng sạch 

Tùy theo cảnh đối tượng

Hiện bóng sai khác nhau 

Nghiệp tánh cũng như vậy. 

Nghiệp tánh đối với pháp giới giống như bóng đối với gương. Pháp giới chỉ cho pháp thân thanh tịnh giống như gương, nghiệp giống như bóng trong gương.

Tùy đối tượng bên ngoài là những hành động của con người, tạo nên cái gì thì hiện lên cái ấy. Tấm gương trước sau vẫn là một, nhưng đối tượng khi hiện trong gương có tốt xấu khác nhau.

Cũng như ruộng gieo giống 

Chúng đều chẳng biết nhau 

Tự nhiên mọc lên cây 

Nghiệp tánh cũng như vậy. 

Như gieo giống xuống ruộng, ruộng không biết giống, giống cũng không biết ruộng. Tuy nó không biết nhau nhưng do duyên hợp liền tăng trưởng. Nếu đất tốt thì lúa mạ tốt, đất xấu thì lúa mạ xấu, không có gì cố định. Nghiệp tánh cũng như vậy, không có gì cố định.

Như nhà ảo thuật giỏi 

Ở tại ngã tư đường 

Hiện ra những sắc tướng 

Nghiệp tánh cũng như vậy. 

Như nhà ảo thuật hóa hiện ra người, vật… là những sắc tướng hư dối, tánh nghiệp cũng như vậy. Nghiệp hư dối không thật, bởi mê muội nên mình thấy thật, rồi khổ vui theo nó. Như sanh trong cảnh nghèo khổ cảm thấy buồn, sanh trong cảnh giàu sang thấy tự đắc tự cao, nhưng rốt cuộc nghiệp tánh không thật, tùy duyên hóa hiện, không có gì đáng để buồn vui.

Như người gỗ máy móc

Hay vang ra các tiếng 

Nó không ngã ngã sở

Nghiệp tánh cũng như vậy. 

Như người máy có hành động, nói năng mà không có gì là ngã, ngã sở. Nghiệp tánh cũng như vậy, đủ duyên thì nó hiện, không có gì là chủ.

Cũng như giống chim bay 

Từ trứng nở sanh ra 

Tiếng kêu không đồng nhau 

Nghiệp tánh cũng như vậy. 

Tất cả loài chim đều từ trứng nở ra, nhưng khi nở ra thì chim cu kêu tiếng chim cu, chim sáo kêu tiếng chim sáo… mỗi loại có tiếng khác nhau. Trên thể thì giống nhưng trên nghiệp dụng thì sai biệt.

Ví như trong thai tạng 

Căn thân đều thành tựu 

Thể tướng không từ đâu 

Nghiệp tánh cũng như vậy. 

Trong bào thai thì căn thân của từng loài đều thành tựu, nhưng khi sanh ra thì có tướng khác nhau. Tướng tốt xấu tùy theo nghiệp hiện, tánh nó không thật, Nghiệp tánh cũng vậy, không cố định tùy duyên mà hiện.

Lại như ở địa ngục 

Bao nhiêu là sự khổ 

Kia đều không từ đâu 

Nghiệp tánh cũng như vậy. 

Tất cả sự khổ ở địa ngục không từ đâu mà có, sở dĩ thấy cảnh địa ngục thật chẳng qua là do duyên nghiệp mình hiện ra. Nghiệp tánh cũng giống như vậy.

Như vua Chuyển luân vương 

Có đủ bảy thứ bảo 

Chỗ đến không từ đâu 

Nghiệp tánh cũng như vậy. 

Lại như các thế giới 

Lúc đại hỏa cháy tan

Lửa này không từ đâu 

Nghiệp tánh cũng như vậy. 

Lúc đó Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát hỏi Đức Thủ Bồ-tát: “Phật tử! Chỗ giác ngộ của đức Như Lai chỉ là một pháp duy nhất, sao lại bảo là vô lượng pháp, hiện vô lượng cõi, hóa vô lượng chúng, diễn vô lượng âm, thị vô lượng thân, biết vô lượng tâm, hiện vô lượng thần thông, có thể chấn động khắp vô lượng thế giới, thị hiện vô lượng sự thù thắng trang nghiêm, hiển thị vô biên nhiều loại cảnh giới. Nhưng trong pháp tánh các tướng sai biệt này đều bất khả đắc. 

Ngài Văn-thù hỏi Bồ-tát Đức Thủ chỗ giác ngộ của Phật chỉ là một pháp, mà sao lại nói Phật có vô lượng pháp môn, hiện vô lượng cõi, hóa độ vô lượng chúng sanh, diễn vô lượng âm thanh… Kết thúc ngài nói rằng trong pháp tánh các pháp sai biệt này đều không thật.

Đức Thủ Bồ-tát nói kệ đáp rằng: 

Nghĩa của Phật tử hỏi 

Rất sâu khó rõ được 

Người trí biết nghĩa này 

Thường chứa công đức Phật. 

Bốn câu đáp đó tóm tắt ý nghĩa trọng tâm của câu hỏi, nghĩa là chỗ giác ngộ của đức Phật là một, nhưng hiện vô lượng thứ, đó là do chứa những công đức tu tập nhiều đời nhiều kiếp của Phật. Các câu hỏi đã được trả lời rồi, nhưng sợ chúng ta chưa hiểu, nên ngài đưa ra tám thí dụ.

Như đất chỉ một tánh 

Mọi loài ở riêng chỗ 

Đất không nghĩ đồng khác 

Pháp chư Phật như vậy. 

Trên mặt đất có vô số loài chúng sanh khác nhau, nhưng đất không khác. Cũng vậy, pháp tánh của Phật bình đẳng giống như đất.

Cũng như một đại hải 

Ngàn vạn lượng sóng trào 

Nước biển vẫn duy nhất 

Pháp chư Phật như vậy. 

Biển cả chỉ là một, nhưng sóng nổi dậy trên mặt biển vô lượng vô biên. Cũng vậy pháp tánh của Phật không hai, nhưng trên duyên khởi, ngài có vô lượng công đức.

Cũng như gió một tánh 

Thổi động tất cả vật 

Gió không nghĩ đồng khác 

Pháp chư Phật như vậy. 

Gió thổi khắp nơi này hay nơi kia, chỉ có một tánh mà làm động tất cả sự vật. Nó không nghĩ đồng hay khác, pháp của chư Phật cũng vậy.

Cũng như mây sấm lớn 

Mưa khắp cả mọi nơi 

Nước mưa vẫn không khác 

Pháp chư Phật như vậy. 

Như một trận mưa to, nước mưa nơi này không khác với nước mưa nơi kia. Nước mưa là một nhưng nó rơi xuống trùm hết mọi nơi chốn, cây cỏ nào cũng được thừa hưởng.

Cũng như mặt đất kia

Mọc lên nhiều mầm mộng 

Mặt đất chỉ là một 

Pháp chư Phật như vậy. 

Đất chỉ là một, nhưng những loại cây cỏ lại khác nhau vô cùng.

Mặt nhật không mây mờ 

Chiếu sáng khắp mười phương 

Quang minh không sai khác 

Pháp chư Phật như vậy.

Giống như ánh sáng mặt trời là một mà soi khắp mười phương. Pháp Phật cũng như vậy.

Như mặt nguyệt trên cao 

Mọi nơi đều nhìn thấy 

Mặt nguyệt vẫn một chỗ 

Pháp chư Phật như vậy. 

Như mặt trăng đêm rằm ở trên trời cao, nó chỉ ở một chỗ mà trăm ngàn người đều thấy. Pháp của Phật cũng thế.

Ví như Đại Phạm vương

Ứng hiện khắp tam thiên

Thân ngài vẫn không khác 

Pháp chư Phật như vậy. 

Như thân Đại Phạm vương hiện khắp ba ngàn cõi, thân không khác mà chúng sanh thấy khác. Pháp chư Phật cũng vậy.

Lúc đó Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát hỏi Mục Thủ Bồ-tát:“Phật tử! Như Lai phước điền đồng một không sai khác, sao lại thấy chúng sanh bố thí được quả báo chẳng đồng? Những là: Nhiều loại sắc, nhiều loại thân, nhiều loại căn, nhiều loại nhà, nhiều loại chủ, nhiều loại quyến thuộc, nhiều loại quan chức, nhiều loại công đức, nhiều loại trí tuệ. 

Nhưng đức Phật đối với họ, tâm Phật thường bình đẳng, không có quan niệm riêng khác? 

Ở đây ngài Văn-thù hỏi ngài Mục Thủ, phước điền của Phật chỉ có một, trong ngoài đều bình đẳng, tại sao người cúng dường Phật kẻ thì hưởng được nhiều, người lại hưởng ít, kẻ sanh cõi trời kẻ sanh cõi người, kẻ chứng quả này người được quả kia… muôn ngàn sai biệt như vậy.

Mục Thủ Bồ-tát nói kệ đáp rằng: 

Như đất vẫn là một 

Theo giống mọc mầm khác 

Đất không ý thân sơ 

Phật phước điền cũng vậy. 

Phước điền của Phật giống như đất không có thân sơ, nhưng cây trồng xuống có cây tốt cây xấu, cây to cây nhỏ, là do khả năng của cây hấp thụ được bao nhiêu dưỡng chất thì tốt được bấy nhiêu, Phước điền của Phật cũng bình đẳng như vậy, mà những người cúng dường có sự sai khác.

Lại như nước một vị

Nhân đồ đựng có khác 

Phật phước điền vẫn một 

Do tâm người thành khác. 

Phước điền của Phật vốn là một, như nước biển chỉ có một vị mặn. Do đồ đựng khác nên tên gọi có khác, như đựng bằng thùng thì gọi là thùng nước, đựng bằng tô thì gọi là tô nước, đựng bằng chén thì gọi là chén nước, đựng bằng tách thì gọi là tách nước…

Phước điền của Phật bình đẳng, mà tùy tâm lượng của chúng sanh sẽ được quả báo khác nhau.

Như các Phật tử đi chùa cúng dường như nhau, nhưng người cúng dường nguyện Phật gia hộ cho mình và gia đình được bình an. Người cúng dường nguyện cho tất cả chúng sanh được an lạc, không nguyện riêng cho mình. Người cúng dường với tâm mong muốn cho Tam bảo hưng thịnh, không đòi hỏi điều gì hết… Như vậy cũng cúng dường như nhau, nhưng tâm mỗi người mỗi khác.

Tâm Phật bình đẳng, nhưng do tâm niệm của chúng sanh sai biệt nên phước sai biệt. Như người tâm niệm hẹp hòi thì kết quả cũng hẹp hòi, người tâm niệm hơi rộng một chút thì kết quả rộng hơn, người tâm niệm thênh thang thì kết quả thênh thang, chứ không phải Phật thương ai, ghét ai mà cho sự sai biệt.

Như nhà ảo thuật khéo 

Làm mọi người hoan hỷ 

Phật phước điền cũng vậy 

Khiến chúng sanh kính vui 

Phước điền của Phật khiến chúng sanh kính vui, nghĩa là giống như nhà ảo thuật khéo biến hiện những thứ huyễn hóa làm mọi người vui thích, chứ không có gì thật.

Như vua có tài trí 

Hay khiến nhân dân mừng 

Phật phước điền cũng vậy

Khiến chúng đều an vui. 

Như mặt gương sáng sạch 

Theo hình mà hiện bóng 

Phật phước điền cũng vậy 

Tùy tâm được báo khác. 

Như gương trong sáng bình đẳng, nếu bên ngoài có người thấp thì hiện bóng người thấp, có người vừa thì hiện bóng người vừa, có người cao thì hiện bóng là người cao. Gương không phân biệt, nhưng hình nào thì hiện bóng nấy. Phật phước điền cũng giống như vậy, tâm ngài bình đẳng nhưng tùy tâm niệm của mỗi người nên quả báo sai khác.

Như thuốc A-già đà 

Trị được tất cả độc 

Phật phước điền cũng vậy 

Dứt các họa phiền não. 

Như lúc mặt trời mọc

Chiếu sáng khắp thế gian

Phật phước điền cũng vậy

Phá trừ những tối tăm.

Như mặt nguyệt tròn sáng

Chiếu khắp cõi đại địa 

Phật phước điền cũng vậy

Bình đẳng với tất cả. 

Ví như gió tỳ-lamine

Chấn động khắp đại địa

Phật phước điền cũng vậy 

Động chúng sanh ba cõi. 

Như đại hỏa nổi lên 

Đốt cháy tất cả vật 

Phật phước điền cũng vậy 

Đốt tất cả hữu vi. 

Đây là mười thí dụ nói lên ý nghĩa phước điền của Phật, tùy tâm lượng chúng sanh mà có sai khác.

Tất cả chúng sanh đều đồng nhau, ai cũng có thân ngũ uẩn, ai cũng sanh trong ba cõi là Dục giới, Sắc giới… mà sự tu lại có sai biệt. Phật dạy chúng ta tu, người tu được thì thấy có lợi ích, người tu không được thì thấy dường như không lợi ích. Như vậy Phật giáo đối với chúng sanh là có lợi ích hay không lợi ích?

Cần Thủ Bồ-tát nói kệ đáp rằng: 

Phật tử khéo lóng nghe 

Nay tôi cứ thật đáp

Hoặc có mau giải thoát

Hoặc có khó xuất ly. 

Nếu muốn cầu dứt trừ 

Vô lượng những lỗi ác 

Lúc đó Văn thủ-sư-lợi Bồ-tát hỏi Cần Thủ Bồ-tát: “Phật tử! Phật pháp là một, chúng sanh được thấy biết, cớ sao không liền đều dứt trừ tất cả phiền não hệ phược mà được xuất ly? Nhưng nơi chúng sanh, sắc, thọ, tưởng, hành và thức, năm uẩn, Dục, Sắc, Vô sắc, ba cõi, vô minh, tham ái đều không sai khác. Thế thì Phật giáo đối với chúng sanh có lợi ích hay không lợi ích? 

Câu hỏi này có hai ý. Thứ nhất, Phật pháp là một, tại sao người tu có người dứt phiền não, người không dứt. Thứ hai, chúng sanh cũng như nhau mà sao có người tiến được, người không tiến được. Như cùng một pháp tứ đế mà tùy người ứng dụng tu lại thấy kết quả sai khác. Do có người trừ sạch hết phiền não, có người trừ chưa sạch, có người tu khi tiến khi lùi mà cũng chưa được gì.

Tất cả chúng sanh đều đồng nhau, ai cũng có thân ngũ uẩn, ai cũng sanh trong ba cõi là Dục giới, Sắc giới… mà sự tu lại có sai biệt. Phật dạy chúng ta tu, người tu được thì thấy có lợi ích, người tu không được thì thấy dường như không lợi ích. Như vậy Phật giáo đối với chúng sanh là có lợi ích hay không lợi ích?

Cần Thủ Bồ-tát nói kệ đáp rằng:

Phật tử khéo lóng nghe

Nay tôi cứ thật đáp

Hoặc có mau giải thoát

Hoặc có khó xuất ly.

Nếu muốn cầu dứt trừ

Vô lượng những lỗi ác

Nên ở trong Phật pháp

Dũng mãnh thường tinh tấn.

Tám câu này đã đáp rõ. Có người tu mau được giải thoát, có người tu khó xuất ly. Nếu muốn trừ vô lượng những lỗi ác phiền não, nên ở trong Phật pháp dũng mãnh tinh tấn mới được kết quả, chứ như lục bình trôi, nước chảy lên thì lên, nước chảy xuống thì xuống, không nỗ lực không cố gắng chút nào hết thì tuy tu mà khó xuất ly.

Ví như chút ít lửa 

Đốt ướt thời chóng tắt

Ở nơi trong Phật pháp

Người giải đãi cũng vậy. 

Như lửa diêm quẹt nhỏ xíu thì làm sao đốt cháy củi ướt. Cũng vậy, phiền não của mình thì nhiều dày mà sức tu quá ít thì làm sao trừ được phiền não? Tu năm năm mười năm mà phiền não vẫn y nguyên không có sự đổi thay nào hết, đó là lỗi giải đãi.

Như cọ cây lấy lửa

Chưa cháy mà nghỉ luôn

Thế lửa liền tắt nguội

Người giải đãi cũng vậy. 

Ngày xưa, muốn có lửa thì lấy hai thanh tre cọ với nhau thật mạnh cho nó nóng lên, bốc khói, để bùi nhùi vào sẽ phát ra lửa. Nếu chưa nóng mà ngưng thì không có lửa. Người giải đãi cũng vậy, tu sáu bảy năm than mệt muốn nghỉ ngơi thì không bao giờ có kết quả.

Như người cầm nhật châu

Chẳng dùng vật tiếp bóng

Trọn không thể được lửa 

Người giải đãi cũng vậy. 

Như người cầm kiếng lấy lửa, nếu không có bùi nhùi dẫn lửa để dưới kiếng, thì sẽ không phát ra lửa. Người giải đãi cũng vậy, tu không kết quả là do không chịu cố gắng, có hình thức tu mà không nhiệt tình nỗ lực.

Như ánh nắng quá chói 

Trẻ nít nhắm đôi mắt

Tự nói sao không thấy

Người giải đãi cũng vậy. 

Phật pháp luôn luôn có khả năng diệt trừ phiền não cho chúng sanh. Nhưng nếu không chịu cố gắng thực hành, không cố gắng tu thì diệt làm sao được, như ngoài trời nắng nhắm mắt lại thì làm sao nhìn thấy ánh nắng.

Như người không tay chân 

Muốn dùng cỏ làm tên 

Bắn phá cả đại địa 

Người giải đãi cũng vậy. 

Người không có tay chân mà nói tôi sẽ lấy cây cỏ làm mũi tên bắn nát cả đại địa, nghe rất oai nhưng rốt cuộc không làm được gì. Người giải đãi cũng vậy, nói nghe hay lắm, tôi tu thế nào cũng phải đạt đạo mới thôi, nhưng hằng ngày biếng nhác, thì cũng như người không có tay chân, nói nghe oai nhưng rốt cuộc không làm được gì.

Như lấy một đầu lông 

Muốn chấm khô đại hải

Người giải đãi cũng vậy 

Không thể dứt hoặc nghiệp. 

Hoặc nghiệp sâu như biển mà tu lừng chừng thì giống như lấy đầu lông nhúng vào nước biển rồi đem rảy chỗ khác. Làm như vậy muốn cho biển khô, làm sao khô nổi. Người giải đãi cũng thế, tu hoài không dứt được nghiệp.

Lại như kiếp hoa nổi 

Muốn tắt với ít nước

Ở nơi trong Phật pháp

Người giải đãi cũng vậy. 

Như có kiếp hỏa cháy bùng, bấy giờ đem một gáo nước tưới muốn cho nó tắt hết, tắt nổi không? Lửa quá nhiều, quá to mà nước lại quá ít thì làm sao có kết quả. Cũng vậy, kiểm lại nơi mỗi người lửa phiền não rất nhiều mà nước trí tuệ rất ít, làm sao dập tắt được.

Như người ngó hư không 

Ngồi yên không dao động 

Nói mình bay đi khắp 

Người giải đãi cũng vậy. 

Người lười biếng giải đãi không chịu tu, mà nói tôi nhất định sẽ thành Phật thì chừng nào thành, giống như nói bay đi mà nhắm mắt ngồi đó.

Tám thí dụ này nói người giải đãi tu không có kết quả. Như vậy ai tu hành thì phải ráng tinh tấn dũng mãnh luôn luôn nỗ lực không chần chờ.

Lúc đó Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát hỏi Pháp Thủ Bồ-tát:“Phật tử! Như lời đức Phật dạy: Nếu có chúng sanh thọ trì Chánh pháp thời đều có thể dứt trừ tất cả phiền não? Nhưng cớ sao có người thọ trì chánh pháp lại tùy thế lực của tham, sân, si, mạn, tùy thế lực của phú, phẫn, hận, tật, xan, cuống, siểm… xoay chuyển không rời nơi tâm. Người hay thọ trì pháp, cớ sao lại ở trong tâm hành khởi các phiền não? 

Câu hỏi này rất thiết yếu, nói người thọ trì chánh pháp nghĩa là họ đã nhớ, thuộc lời Phật dạy mà tại sao vẫn còn phiền não tham sân si, xoay chuyển không rời nơi tâm.

Pháp Thủ Bồ-tát nói kệ đáp rằng: 

Phật tử khéo lóng nghe 

Thật nghĩa ngài đã hỏi

Vì chẳng phải đa văn 

Mà vào được Phật pháp. 

Câu này trả lời rõ ràng rồi, không phải nhớ nhiều, học nhiều mà được vào Phật pháp.

Như người trôi giữa dòng 

Sợ chìm mà chết khát 

Nơi pháp chẳng tu hành 

Đa văn cũng như vậy. 

Như người đang trôi giữa dòng sông, khát nước quá mà không dám uống sợ bị chìm, nên chết khát. Cũng vậy, nghe Phật pháp nhiều mà không chịu hành thì đâu có kết quả.

Như trần thiết vật thực 

Chẳng ăn nên phải đói 

Nơi pháp chẳng tu hành 

Đa văn cũng như vậy. 

Như dọn bàn bày cỗ nhiều thức ăn, mà không ăn thì bụng vẫn đói. Người học Phật pháp nhớ giỏi mà không chịu tu cũng giống như vậy.

Như người giỏi dược phương

Chẳng cứu được bệnh mình 

Nơi pháp chẳng tu hành tin 

Đa văn cũng như vậy. 

Biết nhiều thuốc cứu được bệnh người mà bệnh mình không chữa được, vì biết mà không chịu uống. Ở đây cũng vậy, nói pháp dạy người tu thật hay mà mình không chịu tu, cho nên không có kết quả.

Như người đếm châu báu thuộc 

Tự mình vẫn nghèo nàn 

Nơi pháp chẳng tu hành 

Đa văn cũng như vậy. 

Người làm ngân hàng, đếm tiền từ sáng tới chiều mà trong túi không có tiền. Người tu cũng vậy, sáng chiều giảng đạo rất nhiều mà phiền não không hết, vì hiểu nhưng không ứng dụng tu thì đâu có kết quả.

Như người ở vương cung 

Mà tự chịu đói rét 

Nơi pháp chẳng tu hành 

Đa văn cũng như vậy. 

Ở trong cung vua không thiếu thứ gì mà cam chịu đói rét là vì không chịu ăn không chịu mặc. Biết pháp mà không chịu tu thì cũng giống như vậy.

Như điếc tấu âm nhạc 

Người nghe mình chẳng nghe 

Nơi pháp chẳng tu hành 

Đa văn cũng như vậy. 

Như mù họa hình tượng 

Người thấy mình chẳng thấy

Nơi pháp chẳng tu hành 

Đa văn cũng như vậy. 

Người điếc đàn cho người khác nghe mà chính bản thân không nghe được. Người mù vẽ tranh, người khác thấy mà mình không thấy. Cũng vậy người đa văn mà không chịu tu thì không có lợi ích.

Ví như nhà hàng hải 

Mà tự chết trong biển 

Nơi pháp chẳng tu hành 

Đa văn cũng như vậy. 

Như người đi biển giỏi mà không chịu đi, cứ lẩn quẩn giữa biển thì có ngày chết chìm, người đa văn cũng như vậy.

Như ở ngã tư đường 

Giảng nói những điều tốt 

Mà tự không thật đức 

Chẳng tu cũng như vậy. 

Giảng pháp cho mọi người nghe hay lắm mà mình không hành chút nào, không có đức hạnh chân thật, người không tu cũng giống như vậy.

Lúc đó, Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát hỏi Trí Thủ Bồ-tát: “Phật tử! Trong Phật pháp, trí tuệ là trên tất cả. Cớ sao với các chúng sanh, đức Phật hoặc ca ngợi sự bố thí, sự trì giới, hoặc ca ngợi sự nhẫn nhục, sự tinh tấn, thiền định, trí tuệ, từ bi, hỷ xả… mà chẳng chỉ dùng một pháp để được giải thoát, thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác? 

Trong Phật pháp lấy giác ngộ làm đầu, mà giác ngộ thì trí tuệ là trên, như vậy nói trí tuệ đủ rồi, tại sao Phật lại dạy phải bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, từ bi, hỷ xả… là sao?

Trí Thủ Bồ-tát nói kệ đáp rằng: 

Phật tử rất hy hữu 

Biết rõ tâm chúng sanh 

Xin lóng nghe tôi đáp 

Những nghĩa ngài đã hỏi. 

Chư Phật thuở quá khứ 

Hiện tại và vị lai 

Không có nói một pháp

Mà chứng được đạo quả. 

Ba đời chư Phật, không vị Phật nào chỉ tu một pháp mà thành đạo quả. Nếu chỉ tu trí tuệ, gặp người khổ thì ngó lơ, gặp người cần cũng không giúp đỡ thì không đủ công hạnh của Phật. Hoặc chỉ tu hạnh từ bi, thấy người khổ thì khóc sướt mướt, chạy lo cho họ mà không tu trí tuệ, thì thành Phật được không? Như vậy tu một hạnh không thể thành Phật mà phải tu nhiều hạnh, cho nên ba đời chư Phật không tu một pháp mà thành đạo quả.

Phật biết tâm chúng sanh

Tánh phận đều chẳng đồng

Tùy chỗ họ đáng thọ

Theo đó mà thuyết pháp. 

Phật biết tâm chúng sanh mỗi người có phần sai biệt, nên ngài tùy đó mà thuyết nhiều pháp môn.

Vì kẻ tham, khuyên thí 

Vì người lỗi, khen giới 

Nhiều sân, thời khuyên nhẫn 

Giải đãi, thời khuyên siêng. 

Đối với người hay keo kiệt nên dạy tu hạnh bố thí, để trị xan tham. Nếu người lỗi nhiều, nói năng hành động đều không có oai nghi, không đúng với phép tắc thì khuyên ráng giữ giới, Nếu người nhiều sân hận thì khuyên họ tu hạnh nhẫn nhục.

Loạn tâm phải tu định 

Ngu si trau trí tuệ 

Bất nhân phải từ mẫn 

Giận hại khuyên rèn bi. 

Người nào tâm loạn phải khuyên tu thiền định, người ngu si thì ráng trau giồi trí tuệ. Thấy ai hay đập muỗi hay giết kiến phải dạy họ tu từ mẫn, tức là thương xót mọi loài. Ai hay giận hại thì khuyên tu bi, bi là cứu khổ.

Lo rầu thời ngợi hỷ 

Chấp trước lời khen xả 

Tuần tự tu như vậy 

Lần đủ các Phật pháp. 

Người hay lo rầu thì dạy tu tâm hỷ, người chấp mê thì khen xả, cứ như vậy tuần tự tu, bệnh nào nặng tu trước, bệnh nào nhẹ tu sau, dần dần có kết quả đầy đủ.

Như trước xây nền móng 

Rồi sau tạo nhà cửa 

Thí và giới cũng vậy 

Là gốc hạnh Bồ-tát. 

Muốn cất nhà thì phải có nền móng cho vững, muốn tu hành đạt kết quả, trước phải bố thí trì giới vì đó là hạnh gốc của Bồ-tát.

Ví như dựng thành quách

Để bảo hộ dân chúng

Nhẫn và tấn cũng vậy 

Phòng hộ chư Bồ-tát. 

Người xưa xây dựng thành quách, họ xây tường đào hố để bảo vệ dân trong thành không bị quân giặc xâm lăng. Cũng vậy, nhẫn nhục tinh tấn để phòng hộ Bồ-tát khỏi bị cái khổ của nóng giận, giải đãi làm hại mình.

Ví như Đại Lực vương 

Cả nước đều ngưỡng vọng 

Định tuệ cũng như vậy

Chỗ tựa của Bồ-tát. 

Trên thế gian vị vua mạnh nhất ở nơi nào người ta cũng đều quý trọng. Cũng vậy định và tuệ là chỗ tựa căn bản của Bồ-tát.

Cũng như vua chuyển luân 

Ban vui cho nhân loại 

Từ bi và hỷ xả 

Làm Bồ-tát an vui. 

Đem lại sự an lành cho mọi người bằng hạnh từ bi và hỷ xả, đó là nguồn vui của Bồ-tát. Như vậy ai tu cũng phải có những hạnh này.

Lúc đó Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát hỏi Hiền Thủ Bồ-tát rằng: “Phật tử! Chư Phật chỉ do một đạo mà được giải thoát. Cớ sao hiện nay thấy tất cả Phật độ lại có nhiều sự không đồng, những là: Thế giới, chúng sanh giới, thuyết pháp, điều phục, thọ lượng, quang minh, thần thông, chúng hội, giáo nghĩa, pháp trụ v.v… đều sai khác nhau. Không có vị nào chẳng đủ tất cả Phật pháp mà được thành Vô thượng Bồ-đề? 

Chư Phật chỉ có một con đường để đi tới giải thoát, tại sao khi thành Phật có thế giới đẹp, có thế giới không đẹp. Có chỗ thuyết pháp bằng cách này, có chỗ thuyết pháp bằng cách kia. Chỗ tuổi thọ dài chỗ tuổi thọ ngắn, chỗ có hào quang lớn chỗ có hào quang nhỏ… Tất cả chư Phật đầy đủ pháp mới thành Phật, đầy đủ tất cả thì phải đồng nhau, nhưng cõi đức Phật Thích-ca thì xấu, cõi đức Phật Di-đà thì đẹp, như vậy mỗi cõi rõ ràng khác nhau.

Hiền Thủ Bồ-tát nói kệ đáp rằng:

Thưa Ngài! Pháp thường vậy

Pháp vương pháp duy nhất

Tất cả chư Như Lai 

Một đạo mà giải thoát.

Thân của tất cả Phật 

Chỉ là một pháp thân

Nhất tâm, nhất trí tuệ

Lực vô úy cũng vậy. 

Thân của Phật là chỉ cho pháp thân, mà pháp thân là nhất tâm, là một trí tuệ, là vô sở úy, tất cả đều giống nhau.

Như trước đến Bồ đề 

Bao nhiêu tâm hồi hướng

Được cõi nước như vậy 

Chúng hội và thuyết pháp. 

Đây mới nói sự sai biệt. Như ban đầu phát tâm Bồ-đề, các ngài hồi hướng được cõi nước theo nguyện của mình. Khi được cõi nước, chúng hội và thuyết pháp khác nhau là do tâm nguyện của các ngài không giống nhau.

Tất cả các cõi Phật 

Trang nghiêm đều viên mãn 

Tùy chúng sanh hạnh khác 

Thấy chẳng đồng như vậy.

Trường hợp này nói cõi Phật thì như nhau, nhưng do tâm hạnh chúng sanh có khác, nên thấy cõi Phật có khác. Như cõi Ta-bà tâm hạnh chúng sanh uế trược, nên thấy cõi Phật Thích-ca xấu xa, còn cõi Phật A-di-đà là Tịnh độ, ai muốn về đó phải nhiếp tâm niệm Phật. Khi tâm tịnh thì sẽ thấy cõi tịnh. Nếu ở cõi Ta-bà mà tâm tịnh thì cũng sẽ thấy cõi này thanh tịnh.

Cõi Phật cùng thân Phật 

Chúng hội và ngôn thuyết 

Các Phật pháp như vậy 

Chúng sanh chẳng thấy được.

Tâm ý đã thanh tịnh 

Hạnh nguyện đều đầy đủ 

Người sáng suốt như vậy 

Mới được thấy nơi đây. 

Người nào tâm ý đã thanh tịnh, hạnh nguyện đã đầy đủ, người đó mới thấy được cõi Phật bình đẳng. Nếu chưa được những yếu tố trên thì chưa thấy cõi Phật bình đẳng.

Tùy chúng sanh tâm thích

Và cùng sức nghiệp quả

Thấy sai khác như vậy 

Do oai thần của Phật. 

Tùy chúng sanh có tâm ưa thích sai khác, theo sức nghiệp quả của họ mà thấy có sai khác, là do oai thần của Phật hiện.

Cõi Phật vô sai biệt

Không ghét cũng không thương

Chỉ tùy tâm chúng sanh 

Thấy có khác như vậy.

Cõi Phật không có sai biệt, không có thương ghét chỉ tùy tâm chúng sanh mà thấy có khác vậy thôi.

Do đây nơi thế giới 

Chỗ thấy đều sai khác 

Chẳng phải chư Như Lai 

Bậc Đại tiên có lỗi. 

Đại tiên là chỉ cho Phật. Thấy sai khác là do tâm niệm của chúng sanh, chứ không phải tại lỗi của chư Phật.

Tất cả các thế giới 

Người đáng được giáo hóa

Thường được thấy Thế Tôn 

Pháp chư Phật như vậy. 

Người dù ở thế giới nào mà tu hành thanh tịnh, đáng được Phật giáo hóa thì thấy Phật hiện, còn nếu không đạt yêu cầu trên thì không thấy Phật. Các pháp Phật cũng giống như vậy.

Lúc đó chư Bồ-tát nói với Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát: “Phật tử! Chúng tôi đã tự nói chỗ hiểu biết của mình rồi. Xin Ngài dùng diệu biện tài diễn xướng những cảnh giới của Như Lai: Những gì là cảnh giới của Phật? Những gì là nhân của cảnh giới Phật? Những gì là sự tế độ của cảnh giới Phật? Những gì là sự nhập vào của cảnh giới Phật? Những gì là trí của cảnh giới Phật? Những gì là pháp của cảnh giới Phật? Những gì là ngôn thuyết của cảnh giới Phật? Những gì là sự hiểu biết của cảnh giới Phật? Những gì là sự chứng của cảnh giới Phật? Những gì là sự hiện của cảnh giới Phật? Những gì là sự rộng lớn của cảnh giới Phật? 

Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát nói kệ đáp rằng: 

Như Lai cảnh giới sâu

Lượng đó khắp hư không

Tất cả chúng sanh vào 

Mà thật không chỗ nhập. 

Cảnh giới của Phật sâu kín mầu nhiệm, lượng rộng khắp như hư không, chúng sanh vào cảnh giới Phật mà không thấy mình vào.

Như Lai cảnh giới sâu 

Bao nhiêu nhân thắng diệu 

Ức kiếp thường tuyên nói 

Cũng lại chẳng thể hết. 

Cảnh giới của Phật rất sâu, có nhiều nhân thù thắng vi diệu, cho nên dù bao ức kiếp nói chỗ sai biệt đó cũng không thể nói hết được.

Tùy tâm trí tuệ mình 

Khuyến tấn đều khiến lợi

Độ chúng sanh như vậy 

Là cảnh giới chư Phật. 

Tùy theo tâm, theo trí tuệ của mình để khuyên nhắc mọi người đều được tiến được lợi. Độ chúng sanh như vậy là cảnh giới của Phật.

Những cõi nước thế gian 

Tất cả đều theo vào 

Trí thân không có sắc 

Chẳng phải kia thấy được. 

Cảnh giới của Phật là cảnh giới pháp thân, không có hình tướng. Vì trí tuệ, pháp thân không có hình sắc nên khó thấy được.

Chư Phật trí tự tại 

Tam thế không chướng ngại 

Cảnh giới tuệ như vậy 

Bình đẳng như hư không. 

Trí tuệ Phật thênh thang bình đẳng, không chướng ngại giống như hư không.

Pháp giới chúng sanh giới 

Rốt ráo không sai khác 

Tất cả đều rõ biết 

Đây là cảnh giới Phật. 

Pháp giới và chúng sanh giới rốt ráo không sai biệt. Rõ biết hết tất cả, đó là cảnh giới Phật.

Trong tất cả thế giới 

Bao nhiêu những âm thanh

Phật trí đều tùy rõ 

Cũng không có phân biệt. 

Chẳng phải thức biết được 

Chẳng phải tâm cảnh giới

Tánh đó vốn thanh tịnh

Khai thị các quần sanh. 

Cảnh giới Phật không phải dùng ý thức phân biệt, vì không phải là cảnh giới của tâm. Tánh đó vốn thanh tịnh, khai thị các quần sanh tức bản tánh là thanh tịnh, nhưng vì khai thị cho chúng sanh nên có sai biệt.

Chẳng nghiệp chẳng phiền não 

Không vật không trụ xứ 

Không chiếu không sở hành 

Bình đẳng đi thế gian. 

Bởi vì cảnh giới này là cảnh giới pháp thân cho nên không phải nghiệp, không phải phiền não, không vật cũng không trụ xứ, không chiếu không sở hành, bình đẳng đi khắp thế gian.

Tất cả tâm chúng sanh

Khắp ở trong ba thời

Như Lai nơi một niệm

Tất cả đều rõ thấu. 

Tất cả chúng sanh trong ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai có bao nhiêu tâm lượng, trong một niệm đức Phật đều biết hết, không có sai sót.

Lúc bấy giờ trong cõi Ta-bà này, tất cả chúng sanh, bao nhiêu pháp sai biệt, nghiệp sai biệt, thế gian sai biệt, thân sai biệt, căn sai biệt, thọ sanh sai biệt, trì giới quả sai biệt, phạm giới quả sai biệt, quốc độ quả sai biệt, do thần lực của Phật thảy đều hiện rõ. 

Phương Đông, trăm ngàn ức na-do-tha vô số, vô lượng, vô biên, vô đẳng, bất khả sổ, bất khả xưng, bất khả tư, bất khả lượng, bất khả thuyết, tận pháp giới hư không giới, trong tất cả thế giới, bao nhiêu chúng sanh pháp sai biệt, nhẫn đến quốc độ quả sai biệt đều do thần lực của Phật mà hiển hiện rõ ràng. 

Những phương nam, tây, bắc, đông bắc, đông nam, tây nam, tây bắc, thượng, hạ, cũng đều như vậy. 

Do thần lực của Phật làm cho tất cả những sai biệt của chúng sanh trên thế gian đều hiện rõ ràng, chẳng những một phương mà mười phương cũng đều như vậy. Thần lực đó là gì? Là thể nhập pháp thân. Khi thể nhập được pháp thân hay Phật tánh rồi, mới thấy nghiệp báo của mười phương thế giới chúng sanh sai biệt vô lượng vô biên không lường được, nên nói bất khả sổ, bất khả xưng, bất khả thuyết… Nếu chúng ta cứ sống theo nghiệp báo thì không bao giờ biết được nghiệp báo của chúng sanh, vì mình còn bị nghiệp lôi thì làm sao biết được nghiệp của chúng sanh. Như người trong cuộc, say mê không tỉnh sáng, còn người ngoài cuộc thì tỉnh sáng. Người trong cuộc dụ cho kẻ bị nghiệp lôi. Người ngoài cuộc dụ cho bậc đã thoát được nghiệp, thể nhập pháp thân, nên thấy được tất cả những sai lầm của chúng sanh đang quay cuồng trong nghiệp.

Như vậy, phẩm Bồ-tát Vấn Minh là nói về Thập tín, tức chỉ rõ cho chúng ta có tâm chánh tín, tin chắc quả đức của Như Lai. Mười vị Bồ-tát thay nhau hỏi đáp là tượng trưng cho Thập tín vị, mà trong mười vị Bồ-tát đó thì chín vị đều có chữ “Thủ” ở sau, như Bồ-tát Giác Thủ, Tài Thủ, Hiền Thủ v.v… ý nói rằng tất cả người tu hành chánh tín là trước nhất, nếu thiếu chánh tín thì không có công đức, nên nói “Tín như đạo nguyên, công đức mẫu”. Tín là nguồn của đạo, là mẹ của tất cả công đức.

Qua hình ảnh mười vị Bồ-tát thay nhau giải thích, giúp cho chúng ta thấy được quả đức vô lượng vô biên của Phật rồi khởi tâm chánh tín. Bởi tin đúng quả đức của Phật nên mới khởi hạnh tu hành, nếu không tin thì làm sao tu hành được. Tin chắc chắn như vậy là bước vào Thập tín vị của Bồ-tát. Nhưng hàng Bồ-tát Thập tín vẫn còn là phàm chưa lên thánh, cho nên ở đây chỉ nói tổng quát mà không giải thích, tức là không có chia ra từng phần.

Tôi nhắc lại, kinh Hoa Nghiêm quan trọng nhất là con số mười, như các kinh khác nói Lục độ thì trong đây nói Thập độ, Lục thông thì đây nói Thập thông v.v…

Tại sao dùng con số mười? Bởi vì theo tinh thần Hoa Nghiêm thì các pháp bao trùm khắp mười phương. Mười phương là phương đông, tây, nam, bắc, đông bắc, tây bắc, đông nam, tây nam, phương trên, phương dưới. Mười phương đó trùm hết cả vũ trụ, không gian và thời gian, cho nên dùng con số mười là để nói lên sự viên mãn trùm khắp. Đó là ý nghĩa căn bản của bộ kinh.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.