Kinh này có tên đầy đủ là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh.
Đại là lớn. Phương là nơi chốn. Quảng là rộng. Tức nói kinh này rộng lớn không có nơi chốn trùm hết mọi nơi, chỉ cho phép tánh hay pháp thân. Phật là chỉ cho Phật pháp thân, chứ không phải như thông thường hay nói.
Hoa Nghiêm là chỉ cho hạnh, như lấy hoa để trang nghiêm, nhằm chỉ cho công hạnh tu hành. Pháp rộng lớn trùm khắp của Phật, nhờ công hạnh tu hành trang nghiêm để đạt đến chỗ viên mãn, nên gọi là Hoa Nghiêm. Cho nên muốn đạt được pháp Đại Phương Quảng Phật là phải do công hạnh tu hành mới có thể chứng đến viên mãn. Từ khi hiểu được cảnh đức của Phật đã chứng liền áp dụng các công hạnh tu hành, từ Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa lên Đẳng giác, Diệu giác thì việc tu viên mãn.
TÔNG CHỈ
Yếu chỉ bộ kinh Hoa Nghiêm là Nhất tâm chân như, pháp giới duyên khởi. Nghĩa là vạn pháp đều từ chân tâm bản giác sanh ra. Pháp giới có chia làm bốn:
1) Sự pháp giới: Muôn sự, muôn vật sai biệt nhau.
2) Lý pháp giới: Chân lý pháp tánh bình đẳng.
3) Sự lý vô ngại pháp giới: Sự tức là lý, lý tức là sự, lý sự dung thông nhau. Lý tánh chân như là vạn pháp, chính vạn pháp là chân như.
4) Sự sự vô ngại pháp giới: Mỗi sự mỗi vật đều từ pháp tánh hiển hiện, lý pháp tánh viên dung vô ngại nên hiện ra sự vật cũng viên dung vô ngại.
Bởi vì căn cứ vào lý nói thì viên dung vô ngại, nên sự gốc từ lý mà khởi thì sự ấy cũng viên dung vô ngại.
Bình luận